Chip máy tính
Tình trạng thiếu hụt chip máy tính đang diễn ra trên khắp thế giới. Ảnh: Reuters.
Tình trạng thiếu hụt chip máy tính đang diễn ra trên khắp thế giới đã ảnh hưởng tới ngành sản xuất ôtô, iPad và công nghệ tắm cho thú cưng. |
Các nhà sản xuất chip như Intel đã nhận thấy vấn đề này từ trước đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 lại mang đến một loạt vấn đề mới về chuỗi cung ứng cho nhiều ngành. Thiếu chip là vấn đề nghiêm trọng đối với những người muốn “máy tính hóa” mọi thứ.
Lấy ôtô làm ví dụ. Các nhà sản xuất ôtô là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng thiếu chất bán dẫn. Tháng 1, công ty tư vấn Alix Partners ước tính ngành ôtô sẽ thiệt hại 61 tỷ USD về doanh thu do vấn đề này. Trước đó, theo Business Insider đưa tin, nhu cầu tiêu thụ chip tăng mạnh khi người tiêu dùng tranh nhau mua ôtô và các công nghệ khác có sử dụng chip.
Khi ngày càng nhiều ôtô được sản xuất, sự cạnh tranh về chip cũng tăng lên. Kể từ đó, nhiều hãng xe buộc phải đóng cửa nhà máy và ưu tiên sản xuất một số mẫu xe nhất định. Trong khi đó, giá xe tại các đại lý liên tục lên cao.
Tuần trước, CEO Tesla Elon Musk cho biết tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn đang gây ra nhiều khó khó khăn cho hãng xe điện này. Ngay cả Apple, công ty bắt đầu sản xuất chip máy tính riêng từ năm ngoái, cũng tuyên bố sẽ trì hoãn sản xuất iMac và iPad.
Ôtô qua sử dụng và để thuê
Giá ôtô đã qua sử dụng đang trên đà tăng do các nhà sản xuất thiếu chip và người mua chuyển sang mua ôtô cũ. Ảnh: Jose Luis Pelaez. |
Như USA Today đưa tin, giá ôtô đã qua sử dụng đang trên đà tăng do tình trạng thiếu chip nói trên ảnh hưởng đến việc sản xuất xe mới và người mua chuyển sang mua ôtô cũ.
Vì nhu cầu mua xe lớn nên mức độ cạnh tranh trên thị trường xe cũ cũng tăng lên. Theo Axios, giá trung bình của một chiếc xe cũ đã chạm 17.609 USD.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với người muốn thuê ôtô. Business Insider cho biết cả nhu cầu và giá thuê xe ngày càng tăng.
Khi chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 bắt đầu vào guồng và một số quy định hạn chế được nới lỏng, người dân Mỹ bắt đầu lên kế hoạch đi nghỉ hè. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các công ty cho thuê phải bán bớt xe, khiến lượng ôtô có thể xuống đường giảm đi.
Xăng
Giá xăng “phi mã” trong vài tháng gần đây, tăng 22,5% trong tháng 3. Ảnh: Getty Images.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng sẽ xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu trong mùa hè này.
Nhu cầu về nhiên liệu và hứng thú đi du lịch bắt đầu cải thiện khi tỷ lệ người được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tăng lên. Tuy nhiên, công suất sản xuất xăng vẫn đang ở mức thấp nên mặt hàng này cũng trở nên đắt đỏ, đặc biệt là khi OPEC đang hạn chế nguồn cung dầu ra thị trường.
Giá xăng “phi mã” trong vài tháng gần đây, tăng 22,5% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Cục Thống kê Lao động Mỹ. Phần lớn sự gia tăng này bắt nguồn từ cơn bão mùa đông kinh hoàng ở Texas, khiến 1/5 công suất lọc dầu của Mỹ bị ngưng trệ trong nhiều tuần.
Nhựa và dầu cọ
Giá nhựa cao khiến chi phí đóng gói hàng hóa tăng gần 40% kể từ đầu năm 2020. Ảnh: Getty Images. |
Thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở Texas cũng khiến ngành nhựa bị ảnh hưởng nặng nề. Theo thông tin từ Business Insider, Texas là một bang sản xuất nhựa chính của Mỹ và cơn bão mùa đông vừa qua khiến nhiều nhà máy ở đây, vốn đã gặp khó trong việc tái hoạt động vì dịch Covid-19, nay lại phải tạm đóng cửa.
Giá nhựa cao dẫn tới chi phí đóng gói hàng hóa tăng theo. Dẫn thông tin từ Mintec, Financial Times cho biết chi phí đóng gói tăng gần 40% kể từ đầu năm 2020 lên mức cao chưa từng thấy.
Dầu cọ cũng ghi nhận đợt tăng mạnh gần đây do thiếu hụt lao động. Ngành nông nghiệp này đang chật vật để tìm ra phương pháp sản xuất bền vững hơn.
Xe tải và lái xe tải
Nhu cầu vận tải tăng cùng với tình trạng thiếu lái xe và xe tải dẫn tới chi phí vận chuyển leo thang. Ảnh: AP. |
Nhu cầu vận tải tăng cùng với tình trạng thiếu lái xe và xe tải dẫn tới chi phí vận chuyển leo thang, Wall Street Journal đưa tin.
Tháng 9/2020, Business Insider cho biết mức lương trả cho lái xe tải đang trên đà tăng và có xu hướng chạm đỉnh. Việc tăng lương này xảy ra sau một đợt các lái xe đồng loạt nghỉ việc vào năm 2019. Theo trang Premack, vào thời điểm được cho là “cuộc tắm máu của ngành xe tải” ấy, các công ty vận tải ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh, một số thậm chí bị phá sản.
Hiện tại, nhu cầu đang tăng mạnh và nếu mọi thứ tiếp tục diễn biến như vậy, tình trạng thiếu hụt lái xe và xe tải sẽ nghiêm trọng hơn, theo Wall Street Journal.
Nhà ở và nhà nghỉ
Giá nhà ở Mỹ đang tăng nhanh nhất trong 15 năm qua. Ảnh: Getty Images. |
Mỹ đang đối mặt với tình trạng thiếu 3,8 triệu ngôi nhà tính đến tháng 4, Freddie Mac cho hay. Các công ty xây dựng nhà ở đang vật lộn để theo kịp nhu cầu tăng cao do xu hướng làm việc tại nhà kích thích người dân muốn có không gian ở rộng rãi hơn.
Wall Street Journal đưa tin giá nhà ở Mỹ đang tăng nhanh nhất trong 15 năm qua. Giá gỗ xẻ tăng cũng kéo theo chi phí xây dựng một ngôi nhà mới.
Riêng trong năm 2020, chi phí trung bình để xây dựng một căn nhà tăng 15%, từ 300.000 USD vào năm 2019 lên 340.000 USD vào cuối năm 2020, theo số liệu của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ. Con số này thậm chí chưa tính đến các thị trường nhà ở đang “nóng sốt” như Austin, Texas, nơi ghi nhận giá nhà trung bình lên hơn 800.000 USD trong tháng 4.
Ngay cả chi phí thuê nhà để nghỉ hè cũng đang ở mức cao chưa từng thấy. Một căn nhà ở Hamptons được thuê với giá 2 triệu USD vào mùa hè này. Hơn nữa, 85% nhà nghỉ ở các điểm đến nổi tiếng như Cape Cod, Outer Banks và Jersey Shore đều đã được đặt chỗ tới tháng 8, trang web cho thuê nhà VRBO cho biết.
Gỗ xẻ
Giá gỗ xẻ tăng khiến chi phí xây dựng một căn nhà mới tăng thêm 36.000 USD. Ảnh: Getty Images. |
Nếu đang băn khoăn tại sao nhà ở Mỹ ngày càng đắt đỏ, hãy nhìn vào giá vật liệu. Giá gỗ xẻ tăng mạnh trong khi các công ty xây dựng cũng báo giá nhà cao hơn vì nhu cầu lớn.
Đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các nhà sản xuất gỗ xẻ buộc phải đóng cửa tạm thời để đảm bảo an tooàn. Khi tái mở cửa, họ không thể đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường nhà ở trong bối cảnh người dân phải làm việc ở nhà, lãi suất vay thế chấp tài sản ở mức thấp kỷ lục và nhu cầu lớn về không gian cá nhân trong thời kỳ đại dịch hoành hành.
Theo nghiên cứu hồi tháng 4 của Hiệp hội Các công ty xây dựng nhà ở Quốc gia, giá gỗ xẻ tăng khiến chi phí xây dựng một căn nhà mới tăng thêm 36.000 USD. Giá mặt hàng này dự báo vẫn ở mức cao trong thời gian tới do các nhà máy vẫn đóng cửa, Mỹ áp thuế với gỗ xẻ của Canada…
Các đồ dùng trong gia đình
Nhiều đồ dùng trong gia đình đang gặp vấn đề về nguồn cung. Ảnh: Getty Images. |
Nhiều đồ dùng trong gia đình, như giấy vệ sinh, tã lót và băng vệ sinh, cũng đang gặp vấn đề về nguồn cung.
Một trong những nhà sản xuất bột giấy lớn nhất tại Mỹ nói với Bloomberg rằng tình trạng thông quan chậm trễ và chi phí vận chuyển cao là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phải đẩy ngày giao hàng lùi nhiều tháng.
Thiếu hàng và vận chuyển chậm trễ buộc nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải tăng giá. Tháng 4, Proctor & Gamble cho biết sẽ tăng giá các sản phẩm chăm sóc trẻ em và phụ nữ, cũng như tã lót dành cho người lớn để đối phó với tình trạng thiếu hàng và chi phí vận chuyển cao. Kimberly Clark cũng tuyên bố tăng giá tã giấy Huggies và giấy vệ sinh Scott.
Đồ nội thất
Xu hướng làm việc tại nhà giúp ngành sản xuất đồ nội thất bùng nổ nhưng lại quá mức. Ảnh: Getty Images. |
Xu hướng làm việc tại nhà giúp ngành sản xuất đồ nội thất bùng nổ nhưng lại quá mức. Khách hàng phải đợi nhiều tháng liền mới nhận được hàng.
Tháng 2, ban lãnh đạo của La-Z-Boy cho biết khách hàng có thể phải chờ 5 tới 9 tháng tính từ ngày đặt đơn mới nhận được hàng. Các công ty nội thất khác như Kasala cũng thông báo thời điểm giao hàng nhanh nhất cũng phải tới tháng 12.
Nhiều cửa hàng nội thất ở Mỹ có nguồn cung từ Trung Quốc. Việc thiếu container trên toàn cầu cũng như thông qua chậm trễ tại các cảng chính ở miền nam California không chỉ khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ mà còn đẩy ngày giao hàng lùi lại nhiều tháng.
Tình trạng khan hiếm đồ nội thất trở nên trầm trọng hơn khi tỷ lệ người muốn sở hữu nhà ở tăng đột biến, số lượng nhà có sẵn và chưa bán được đang ở mức thấp kỷ lục. Nói cách khác, nhiều gia chủ phải chờ một thời gian dài mới có đồ để trang trí phòng khách mới của mình.
Thịt gà
Tình trạng thiếu hụt không chỉ diễn ra với sản phẩm cánh gà, mà tất cả bộ phận giờ cũng trở nên khó kiếm hơn. Ảnh: AP. |
Thịt gà là loại thực phẩm đang rất khó kiếm tại Mỹ do nguồn cung bị thắt chặt. Theo Business Insider, nguồn cung cánh gà đang cạn kiệt và giá đang leo thang, một phần do nhu cầu tăng và thời tiết mùa đông khắc nghiệt làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại Texas.
Washington Post cho hay tình trạng thiếu hụt không chỉ diễn ra với sản phẩm cánh gà, mà tất cả bộ phận giờ cũng trở nên khó kiếm hơn. Hiện tượng này được Washing Post gọi là “sandwich gà rán”. Món sandwich gà rán của McDonald trở nên phổ biến trong vài năm gần đây. Theo Business Insider, món ăn này nổi tiếng trên TikTok đến nỗi chuỗi nhà hàng này đang cạn kiệt nước sốt dành riêng cho nó.
Thịt xông khói và xúc xích
Thịt xông khói và xúc xích có thể sẽ thiếu cung trong mùa hè này. Ảnh: Getty Images. |
Tình trạng khan hiếm lợn bắt đầu diễn ra khi dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là khi làn sóng lây nhiễm diễn ra tại ít nhất 167 nhà máy chế biến thịt tại Mỹ. Kết quả, gần 40 nhà máy phải đóng cửa tính đến tháng 6/2020.
Giới chuyên gia cho rằng khi tỷ lệ người được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tăng lên và mọi người chuẩn bị cho kỳ nghỉ hè, bữa tiệc ngoài trời, cầu sẽ vượt cung.
Vấn đề khan hiếm nguồn cung càng trở nên nghiêm trọng khi dịch bệnh tấn công đàn lợn tại Mỹ trong mùa đông vừa qua.
Thực phẩm nhập khẩu
Sự chậm trễ tại cảng đã đẩy giá cà phê lên mức cao nhất hơn một năm. Ảnh: Getty Images. |
Thực phẩm nhập khẩu như cà phê, phô mai, hải sản và dầu ôliu đang phải đối mặt với tình trạng vận chuyển chậm trễ.
Hàng chục tàu container lớn đang chờ cập cảng ở ngoài khơi Los Angeles. Thành phố này chiếm khoảng 1/3 lượng hàng nhập khẩu của Mỹ. Do không có công nhân, công việc tại cảng bị tồn đọng, dẫn tới tàu chở hàng phải đợi hàng tuần mới được cập bến và dỡ hàng.
Một số doanh nghiệp đã nhận thấy tác động của tình trạng này tại các cửa hàng. Tháng 3, Costco cho biết nguồn cung phô mai, hải sản và dầu ô liu đều ở mức thấp.
Cũng theo General Mills, họ buộc phải tăng giá hàng hóa do sự chậm trễ tại cảng làm tăng chi phí vận chuyển. Coca-Cola tăng giá để đối phó với tình trạng chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Bloomberg đưa tin hồi tháng 3 rằng thị trường cà phê cũng bị ảnh hưởng. Peet's và JM Smucker, các công ty đứng sau chuỗi cà phê Folgers và Dunkin', thông báo họ đang chịu cảnh chi phí tăng. Sự chậm trễ tại cảng đã đẩy giá mặt hàng này lên mức cao nhất hơn một năm, Reuters đưa tin.
Clo
Các hồ bơi sẽ chứng kiến tình trạng thiếu clo trầm trọng nhất trong lịch sử Mỹ. Ảnh: Getty Images. |
Mùa hè này, các hồ bơi sẽ chứng kiến tình trạng thiếu clo trầm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, theo CNBC.
Nguồn cung clo bị thắt chặt kể từ vụ hỏa hoạn tại nhà máy sản xuất BioLab ở Louisiana hồi tháng 9/2020. Kết quả, giá clo được sử dụng cho các hồ bơi gần gấp đôi trong năm qua và được dự báo tiếp tục tăng do nhu cầu cao trong mùa hè này.
Ngô
Riêng trong tháng 4, giá ngô đã tăng 16%. Ảnh: Getty Images. |
Ngô là nguyên liệu chủ lực để sản xuất nhiều sản phẩm, trong đó có nhiên liệu và thực phẩm. Khi lo ngại về nguồn cung mới xuất hiện, giá ngô đã tăng vọt, theo Axios.
Có một vài nguyên nhân khiến nhu cầu ngô lên rất cao. Sau khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở Trung Quốc, quy mô đàn lợn giảm mạnh. Tới khi thị trường thiếu cung thịt lợn, nông dân bắt đầu tái đàn, dẫn tới nhu cầu tiêu thụ ngô tăng đột biến. Trong khi đó, vụ mùa tại Brazil và Argentina đều gặp phải thời tiết khắc nghiệt và thiếu hụt lao động do dịch Covid-19.
Hiện giá ngô ở mức cao kỷ lục. Riêng trong tháng 4, giá nông sản này tăng 16%.
Theo Fortune, nguồn cung ngô tại Mỹ cũng có thể gặp vấn đề. Thời tiết hạn hán và mùa đông khắc nghiệt đều gây lo ngại. Nếu vụ mùa tại Mỹ không thể bù đắp khoảng thiếu hụt, giá có thể tăng mạnh hơn.
Lao động
Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên khắp châu Mỹ. Ảnh: AP. |
Cuối cùng, một loại hàng hóa không giống như các loại hàng hóa khác cũng bất ngờ thiếu hụt, đó là người lao động.
Tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trên khắp châu Mỹ. Business Insider cho biết các chuỗi cà phê, như Dunkin' và Starbucks, gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên. Vì vậy, họ phải giảm giờ làm và cũng do dự hơn khi mở cửa trở lại.
Có một số lý do khiến người lao động thất nghiệp chọn không quay trở lại làm việc. Nhiều người trong số họ nhận thấy rằng họ lấy được nhiều tiền từ cơ quan trợ cấp thất nghiệp hơn là từ công việc trước. Hai lý do khác là họ lo ngại những rủi ro liên quan tới dịch Covid-19 và phải chăm sóc con khi chúng phải nghỉ học ở nhà.
Theo Business Insider đưa tin, lao động nữ nhận được ít tiền boa hơn và bị quấy rối nhiều hơn trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành. Một giải pháp để chấm dứt tình trạng thiếu hụt lao động này có thể là tăng lương cho nhân viên.