Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (HoSE: BID) vừa tiếp tục có thông báo bán đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus. Tài sản đấu giá là khoản nợ phát sinh từ đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp nêu trên tại BIDV. Tổng dư nợ tạm tính đến ngày 31/3 là hơn 536 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 257 tỷ đồng, nợ lãi 199,1 tỷ đồng, phí phạt quá hạn 79,9 đồng.
BIDV đã 11 lần rao bán khoản nợ liên quan đến hãng thời trang NEM.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 1.431,3 m2 tại số 545 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, TP Hà Nội. Thời hạn sử dụng đất là 50 năm từ ngày 19/5/2005. Ngoài ra tài sản bảo đảm còn có 3 triệu cổ phần của ông Trương Việt Bình tại Công ty CP Thời trang NEM và bảo lãnh thanh toán của Công ty CP Thời trang NEM.
Được biết, đây là lần thứ 11 BIDV rao bán khoản khoản nợ này. Ở 10 lần trước, mặc dù BIDV đã "đại hạ giá" khoản nợ xuống gần 50%, nhưng vẫn không thể tìm được người mua. Ở lần rao bán này, mức giá khởi điểm vẫn là 257 tỷ đồng, bằng đúng giá trị nợ gốc, mức giá khởi điểm không thay đổi so với những lần rao bán gần đây. Nếu bán thành công, BIDV coi như mất trắng toàn bộ số tiền lãi từ khoản nợ này.
Ngoài ra, theo BIDV, tài sản đảm bảo của khoản nợ là tòa nhà văn phòng hình thành trong tương lai tại địa chỉ 545 Nguyễn Văn Cừ cũng đang được thế chấp tại Vietcombank. Hiện vụ việc đang được Tòa án Nhân dân quận Long Biên thụ lý, giải quyết tranh chấp.
Cụ thể, Vietcombank khởi kiện và yêu cầu Công ty TNHH Sản xuất thương mại Việt Bắc (công ty có liên quan đến ông Trương Việt Bình) phải trả nợ, trường hợp không trả hoặc trả không đủ thì xử lý tài sản bảo đảm cho khoản nợ là tòa nhà văn phòng hình thành trong tương lai tại địa chỉ 545 Nguyễn Văn Cừ của Công ty TNHH Haprosimex Moca, do ông Nguyễn Tôn Thắng đang là người đại diện pháp luật và tài sản bảo đảm khác của ông Trương Việt Bình. Trong khi đó, BIDV lại có yêu cầu độc lập về việc yêu cầu tuyên vô hiệu Hợp đồng thế chấp tài sản giữa Vietcombank chi nhánh Hà Nội và Công ty TNHH Haprosimex Moca.
Theo tìm hiểu, Công ty CP Kiến trúc và xây dựng Archplus được thành lập năm 2009 do ông Trương Việt Bình làm người đại diện theo pháp luật. Ông Bình cũng chính là người sáng lập Công ty CP Thời trang NEM vào năm 2002, ông cũng kiêm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của NEM đến tháng 4/2019. Khi doanh nghiệp này đổi tên thành Công ty CP Sản xuất và Thương mại Delani, thì chức vụ Tổng Giám đốc được do ông Nguyễn Tôn Thắng đảm nhiệm.
Ngay từ những ngày đầu ra mắt, NEM đã định vị là thương hiệu thời trang chuyên thiết kế và sản xuất thời trang công sở cho phái nữ, theo phong cách Pháp, với định hướng là hướng đến đến phân khúc cao cấp, dành cho người có thu nhập cao với giá chủ yếu từ 500.000 - trên 1 triệu đồng.
Từ một cửa hàng đầu tiên trên phố Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội , hệ thống của NEM đã đi rất nhanh, mở rộng thành thương hiệu thời trang công sở trên toàn quốc. Hiện hãng thời trang này đã mở rộng ra hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, với tổng số 89 cửa hàng.
NEM, cũng được biết đến với nhiều chương trình sale off sáng tạo, mạnh tay. Tuy nhiên, khi gắn với khoản nợ xấu, lại rất khó cho chủ nhà băng vì hàng hóa nợ xấu lại không thể phù hợp để khuyến mãi "mua 2 tặng 1".
NEM đã nhanh chóng trở thành thương hiệu thời trang sáng giá trong mắt chị em phụ nữ thông qua chiến lược truyền thông phủ sóng khắp các đài truyền hình. Chiến dịch truyền thông của NEM hướng tới tài trợ độc quyền cho giới MC, người mẫu, người nổi tiếng và quảng bá trong nhiều bộ phim, chương trình truyền hình thuộc khung giờ vàng của VTV.
Sự thành công nhanh chóng và nổi tiếng của NEM thời điểm đó đã lọt vào "mắt xanh" của nhà đầu tư Nhật Bản. Theo đó, vào năm 2017, Công ty Stripe International - một tập đoàn bán lẻ thời trang Nhật Bản đã mua lại 70% cổ phần của thời trang NEM từ nhà sáng lập Trương Việt Bình.
Cũng từ đây, mọi rắc rối đổ ập xuống NEM, khiến thương hiệu thời trang nổi tiếng này rơi vào vòng xoáy khủng hoảng. Không lâu sau khi "bán mình" cho nhà đầu tư Nhật Bản, thời trang NEM liên tục dính vào những bê bối như: nợ tiền và BHXH và BHYT của người lao động; nghi án làm giả nhãn mác; những khoản nợ xấu tại các nhân hàng…
Thành công nhanh chóng ở thời gian đầu, có vẻ NEM đã "ngủ quên" trên chiến thắng, không chịu thay đổi chính mình, ngừng tạo ra những đột phá mới. Trong khi đó, các thương hiệu nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam mở cửa hàng trong các Trung tâm thương mại tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ... và dần thu hút sự chú ý cũng như túi tiền của người tiêu dùng.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã giúp mặt hàng thời trang từ Trung Quốc, với mẫu mã đa dạng, hiện đại và giá rẻ tràn vào Việt Nam, khiến cho NEM càng trở nên thất thế và không thể cạnh tranh nổi cả về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm. Đây cũng chính là những nguyên nhân khiến cho hãng thời trang nổi tiếng này ngày càng thất thế và mất dần khách hàng vào tay các thương hiệu thời trang ngoại.
Với tình hình hiện tại khi NEM dù đã có một số thay đổi để cập nhật mẫu mã cũng như phát triển bán thương mại điện tử, song sự chìm dần vào lãng quên của thương hiệu này, NEM được đánh giá khó trở thành món hàng thanh lý nợ hấp dẫn dù BIDV "đại hạ giá" tới đâu. Các chuyên gia cho rằng nếu có người mua nợ, bên mua sẽ cân nhắc giữa tài sản của NEM còn lại so với suất đầu tư mới, bao gồm cả tài sản hữu hình lẫn giá trị vô hình.
Một chuyên gia ví von Slogan của NEM là "Vẻ đẹp quyến rũ thời trang Pháp" và họ đã có thời gian "quyến rũ" rất tốt với người tiêu dùng, song sức hút với người mua nợ thì lại không như vậy. NEM, cũng được biết đến với nhiều chương trình sale off sáng tạo, mạnh tay. Tuy nhiên, khi gắn với khoản nợ xấu, lại rất khó cho chủ nhà băng vì hàng hóa nợ xấu lại không thể phù hợp để khuyến mãi "mua 2 tặng 1"… Chưa kể, khoản nợ này hiện lại đang dính vào tranh chấp giữa hai nhà băng, thì khả năng BIDV bán thành công là điều khá xa vời.