Theo tờ The Guardian, tổng giá trị tài sản của 3 gia tộc giàu nhất tại Mỹ hiện là 348,7 tỷ USD, tăng 6.000% kể từ năm 1982.
Ba gia tộc này gồm nhà Waltons - sở hữu hãng bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart, nhà Mars - chủ đế chế kẹo Mars lớn nhất thế giới và anh em nhà Koch - thừa kế công ty thuộc sở hữu tư nhân lớn thứ 2 tại Mỹ Koch Industries. Họ đều là những người thừa kế cơ nghiệp được xây dựng bởi cha ông mình. Tổng tài sản của 3 gia tộc này lớn gấp 4 triệu lần giá trị tài sản trung bình của một gia đình Mỹ.
Nếu như từ năm 1982, tài sản của 3 gia đình này đã tăng thêm gần 60 lần (đã được điều chỉnh theo lạm phát), tài sản trung bình của hộ gia đình Mỹ lại giảm 3%.
Cụ thể, tài sản của gia đình Walton đã tăng từ 690 triệu USD vào năm 1982 (tương đương 1,81 tỷ USD vào năm 2018) lên 169,7 tỷ USD trong năm 2018 - tương đương mức tăng hơn 9.000%.
Thông thường tài sản của các gia đình sẽ tiêu tán bớt qua nhiều thế hệ khi tiền được tiêu đi, chuyển cho những người thừa kế, làm từ thiện và trả thuế. Chỉ khi có sự can thiệp tích cực, tài sản của các gia tộc này mới có thể tiếp tục tăng lên qua nhiều thế hệ, thậm chí khi số lượng người thừa kế tăng lên.
Nhiều gia đình đã dùng quyền lực lớn của mình để can thiệp, chi triệu USD để bảo vệ khối tài sản tỷ USD của mình. Theo tờ The Guardian, một số gia đình đã vận động Quốc hội để đưa ra những quy định có lợi cho tài sản của gia tộc, như giảm thuế, các chính sách công giúp làm giàu thêm cho các doanh nghiệp của mình.
Vào đầu những năm 2000, gia đình Mars, Walton và Gallo đã tích cực vận động để bãi bỏ thuế tài sản liên bang - vốn được trả chủ yếu bởi các triệu phú và tỷ phú. Anh em nhà Koch cũng xây dựng mạng lưới tài trợ nổi tiếng để vận động cắt giảm thuế cho người giàu, rút lại các quy định đối với ngành công nghiệp năng lượng - lĩnh vực mang lại nguồn thu lớn nhất cho đế chế Koch Industries của gia đình.
Một số gia tộc giàu có khác sử dụng thủ thuật để che đậy bớt tài sản và chuyển cho những người thừa kế. Họ thuê những "đội quân" kế toán thuế, nhà quản lý tài sản, luật sư để thành lập các quỹ tín thác, tạo doanh nghiệp lá chắn và tài khoản ở nước ngoài để chuyển tiền lòng vòng, tránh phải nộp thuế và giải trình.
Đơn cử trường hợp ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson, xếp thứ 15 trong danh sách 500 người giàu nhất tại Mỹ do Tạp chí Forbes đưa ra, đã sử dụng các cơ chế tín thác phức tạp để chuyển 7,9 tỷ USD cho các con và tránh được 2,8 tỷ USD tiền thuế tài sản và thừa kế. Ông Adelson gần đây quyên góp hơn 100 triệu cho các chiến dịch trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.
Tuy nhiên, không phải tất cả người giàu đều chú trọng tới việc tích trữ tài sản cho thế hệ sau. Warren Buffett - người giàu thứ 3 thế giới, đã quyết định không cho con cái thừa kế khối tài sản khổng lồ. Thay vào đó, ông cam kết dành tài sản làm từ thiện và đóng góp cho cộng đồng thông qua việc nộp thuế cũng như ủng hộ việc tăng thuế tài sản.
Nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty cảnh báo rằng nếu không có biện pháp xử lý việc che giấu tài sản hay can thiệp về thuế, Mỹ sẽ tiến đến "chủ nghĩa tư sản dựa trên tài sản thừa kế" mà ở đó những người thừa kế của các tỷ phú hiện nay sẽ thống trị về kinh tế, chính trị, văn hoá và cả hoạt động từ thiện.