Sau nhiều biến động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại tháng 11 với 5 phiên tăng liên tiếp và chỉ số VN-Index cũng hồi về vùng 1.050 điểm. Nếu tính từ thời điểm nhúng về vùng 880 điểm, VN-Index đã lấy lại hơn 19%.
Trong tháng thị trường có nhiều rung lắc mạnh, tài sản của các tỷ phú USD của Việt Nam cũng trồi sụt liên tục, thậm chí có người đã phải rời nhóm tỷ phú.
Trong số các tỷ phú USD của Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long và Chủ tịch Nova Group là hai người có biến động tài sản nhiều nhất trong tháng 11.
Theo đó, ông Trần Đình Long từng "rớt'' khỏi danh sách tỷ phú vào ngày 10/11 khi cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát về đáy hơn hai năm, xuống mức 12.100 đồng/cổ phiếu khiến tài sản của ông xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, đến ngày 18/11, ông Trần Đình Long đã quay lại danh sách tỷ phú với khối tài 1,2 tỷ USD nhờ cổ phiếu HPG có 6 phiên liên tiếp tăng.
Ông Trần Đình Long từng "rớt'' khỏi danh sách tỷ phú vào ngày 10/11 khi tài sản xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD. (Nguồn: Forbes)
Hiện theo dữ liệu thời gian thực của Forbes, tài sản của ông Trần Đình Long là 1,6 tỷ USD, vươn lên đứng thứ 4 trên bảng xếp hạng tỷ phú Việt Nam, đứng thứ 1.798 thế giới. Tính từ đáy dài hạn ngày 10/11, cổ phiếu HPG đã tăng hơn 60%.
Dù vậy, so với thời điểm Forbes chốt danh sách tỷ phú năm 2022 (ngày 11/3/2022) tài sản của Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã hao hụt khoảng 53%, tương đương 1,7 tỷ USD.
Rời danh danh sách tỷ phú USD sau ông Trần Đình Long một ngày, nhưng thay vì trở lại ngoạn mục như Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát thì Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn lại chứng kiến tài sản tiếp tục "bốc hơi" mạnh khi cổ phiếu NVL của Tập đoàn Novaland có 17 phiên giảm sàn liên tiếp. Dù cổ phiếu NVL có sự hồi phục trong những phiên gần đây song vẫn chưa thể giúp ông Bùi Thành Nhơn lấy lại phần lớn tài sản đã sụt giảm.
Trước đó, vào đầu tháng 4/2022, khi Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn lần đầu góp mặt trong danh sách tỷ phú USD với tài sản là 2,9 tỷ USD, là người giàu thứ tư tại Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long và bà Nguyễn Thị Phương Thảo.
Tuy nhiên, sau tháng 11 đầy biến động, hiện tại, danh sách tỷ phú USD của Việt Nam chỉ còn 6 người gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và gia đình với tổng tài sản 13,4 tỷ USD.
Tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam tại ngày 2/12. (Nguồn: Forbes) |
Trong đó, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ khối tài sản 5 tỷ USD và vẫn là người giàu nhất Việt Nam, giàu thứ 533 thế giới. So với hôm 10/11, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng đã hồi phục 1,2 tỷ USD, song so với thời điểm 11/3, tài sản của ông Vượng đã giảm 1,2 tỷ USD.
CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo đang sở hữu khối tài sản 2,2 tỷ USD, tăng khoảng 200 triệu USD trong gần 1 tháng qua song giảm 900 triệu USD so với thời điểm 11/3. Hiện bà Thảo vẫn là người giàu thứ hai Việt Nam và giàu thứ 1.351 thế giới.
Tương tự, tài sản của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang đều tăng khoảng 300 triệu USD so với hôm 10/11, lên lần lượt là 1,7 và 1,5 tỷ USD. Hiện ông Hồ Hùng Anh đang xếp thứ 1.675 trong danh sách tỷ phú thế giới, trong khi ông Nguyễn Đăng Quang ở vị trí 1.851.
Riêng tỷ phú Trần Bá Dương và gia đình có mức tài sản hầu như không biến động trong vòng một tháng qua, đang ở mức 1,4 tỷ USD (giảm 200 triệu so với thời điểm 11/3). Hiện ông Dương và gia đình đang xếp vị trí 1.939 trong danh sách tỷ phú thế giới.