Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 2 năm nay giảm tới gần 70 nghìn tỷ so với cuối năm 2017. Giảm mạnh nhất được chứng kiến ở khối ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), giảm gần 50 nghìn tỷ. Tiếp đó là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, giảm trên 20 nghìn tỷ. Khối ngân hàng liên doanh nước ngoài cũng có mức sụt giảm tới gần 14 nghìn tỷ.
Có thể nói rằng, hiện tượng giảm tài sản ở mức độ đáng kể như trên của hệ thống là điều hãn hữu trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng luôn ở mức cao. Điều này là khá bất ngờ và gây ngạc nhiên với nhiều người. Nên câu hỏi nhận được sự quan tâm lớn là tại sao lại có hiện tượng giảm sút tài sản mạnh như vậy?
Có khoảng 20 ngân hàng thương mại cả cổ phần lẫn có vốn nhà nước có báo cáo đầy đủ số liệu tài chính của quý 1/2018 và quý 4/2017.
Trong khối ngân hàng TMCP có vốn nhà nước, chỉ có 3 trong số 7 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 1/2018 là VietinBank (CTG), BIDV, và Vietcombank (VCB). Trong 3 ngân hàng này, chỉ có VCB là có mức tổng tài sản giảm, và giảm rất mạnh, tới gần 36 nghìn tỷ trong quý. Nếu bù trừ với giá trị tài sản tăng lên ở BIDV và CTG thì tổng tài sản của 3 ngân hàng này vẫn tăng hơn 8 nghìn tỷ. Vậy, có thể suy ra là 4 ngân hàng còn lại trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, gồm Agribank, CBBank, OceanBank, và GPBank đã có sự sụt giảm mạnh về tài sản trong quý. Và vì 3 ngân hàng CBBank, OceanBank và GPBank là những ngân hàng đang được tái cơ cấu, nên sẽ là điều không bất ngờ nếu quá trình tái cơ cấu này dẫn đến sự sụt giảm mạnh một (số) hạng mục tài sản có nào đó của chúng, làm sụt giảm tổng tài sản của chúng trong kỳ.
Trong khối ngân hàng TMCP gồm 17 ngân hàng có báo cáo tài chính quý 1/2018, tổng cộng tài sản của nhóm này đã tăng tới gần 51 nghìn tỷ đồng trong quý. Mặc dù có 4 ngân hàng đã báo cáo sự sụt giảm tổng tài sản, gồm ABBank (-10,5 nghìn tỷ), BacABank - BAB (-4,6 nghìn tỷ), Eximbank - EIB (-5,3 nghìn tỷ), và TPBank - TPB (-2,8 nghìn tỷ), nhưng sự sụt giảm này được bù đắp hoàn toàn bởi sự tăng lên về tài sản tại các ngân hàng TMCP còn lại, đặc biệt là ACB (+15,5 nghìn tỷ), VIB (+12,7 nghìn tỷ), Sacombank - STB (+12,5 nghìn tỷ), và SHB (+8,9 nghìn tỷ).
Như vậy, sự sụt giảm mạnh tổng tài sản trong khối ngân hàng TMCP (31 ngân hàng, theo số liệu của NHNN đến 2017) rất có thể là do những ngân hàng TMCP còn lại ngoài 17 ngân hàng TMCP nêu trên gây ra. Một số trong những ngân hàng này thuộc diện tái cơ cấu nên chắc chắn cũng đã có những sự xáo trộn lớn về tài sản. Tuy nhiên, do không có thêm thông tin xác thực nào nên không thể phân tích sâu thêm được ở đây.
Câu hỏi tiếp theo có liên quan là nếu tổng tài sản giảm thì khoản mục tài sản có nào đã giảm (mạnh)?
Trong khối ngân hàng TMCP có vốn nhà nước, do chỉ có VCB có báo cáo về sụt giảm tài sản nên có thể tập trung vào ngân hàng này. VCB có sự sụt giảm rất mạnh ở 2 khoản mục tài sản có là tiền gửi tại NHNN (-65,7 nghìn tỷ) và tiền/vàng gửi và cho vay các TCTD khác (-75 nghìn tỷ). Tuy có một số khoản mục ghi nhận sự tăng lên, điển hình là khoản mục cho vay khách hàng (+30 nghìn tỷ), nhưng sự sụt giảm mạnh của 2 khoản mục trên đã làm tổng tài sản của ngân hàng này giảm mạnh trong quý.
Trong số 4 ngân hàng TMCP báo cáo sụt giảm tổng tài sản trong quý, sự sụt giảm mạnh trong khoản mục tiền/vàng gửi và cho vay các TCTD khác diễn ra ở cả 4 ngân hàng, cụ thể ABB (-6,8 nghìn tỷ), BAB (-4,9 nghìn tỷ), EIB (-4,1 nghìn tỷ), và TPB (-7,9 nghìn tỷ).
Ở khoản mục quan trọng khác là cho vay khách hàng, ABB giảm 2,4 nghìn tỷ, EIB giảm 0,7 nghìn tỷ.
Từ những phân tích trên có thể thấy sự sụt giảm tổng tài sản của một ngân hàng nói riêng và cả hệ thống nói chung không phải là điều bất thường. Sự biến động thường xuyên của một số khoản mục, ví dụ tiền/vàng gửi và cho vay các TCTD khác và cho vay khách hàng, là những khoản mục có quan hệ chặt chẽ với tình hình thanh khoản và khả năng cho vay dựa trên các chỉ tiêu an toàn về vốn v.v... là một trong những nguyên nhân chính gây làm sụt giảm tổng tài sản của một số ngân hàng, dẫn đến sụt giảm tổng tài sản trong cả hệ thống.