Kể từ khi sụt xuống mức thấp nhất 8 tháng vào ngày 27/3 do bê bối bảo mật dữ liệu, cổ phiếu Facebook đã tăng 23%. Theo đó, tài sản của người đồng sáng lập, giám đốc điều hành (CEO) Mark Zuckerberg – người sở hữu khoảng 16% cổ phần, cũng tăng mạnh.
Theo thống kê của Forbes, Mark Zuckerberg hiện sở hữu tài sản 74,2 tỷ USD, tăng 13 tỷ USD kể từ ngày 27/3.
Vào giữa tháng 3, Facebook rơi vào khủng hoảng sống còn khi truyền thông đồng loạt đưa tin về việc công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica của Anh đã tiếp cận trái phép dữ liệu cá nhân của hàng chục triệu người dùng mạng xã hội này. Cambridge Analytica cũng là công ty làm việc cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2016.
Chỉ trong 2 tuần, cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất thế giới sụt gần 20%, "thổi bay" hơn 90 tỷ USD vốn hóa. Vụ việc khiến Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ và xin lỗi vì đã không "có cái nhìn đủ rộng về trách nhiệm của mình" và cũng không hành động đủ quyết liệt "để ngăn chặn Facebook bị lợi dụng cho mục đích xấu". Về phần mình, Cambridge Analytica tuyên bố phá sản vào ngày 2/5.
Bê bối của Facebook cũng làm nổ ra tranh cãi về việc bảo mật dữ liệu của các hãng công nghệ. Yếu tố then chốt trong chiến lược kinh doanh của Facebook – cũng như nhiều đối thủ - là thu thập dữ liệu của người dùng để đưa ra quảng cáo mục tiêu. Trong suốt nhiều năm, các ứng dụng của bên thứ ba cũng có thể tự thu thập dữ liệu riêng của mình qua Facebook, bao gồm cả những người dùng không sử dụng ứng dụng của họ.
Liên quan tới vụ Cambridge Analytica, Facebook đã đưa ra hàng loạt thay đổi, bao gồm việc không cho phép quảng cáo dựa trên dữ liệu của bên thứ 3 và cho phép người dùng xóa lịch sử sử dụng trên Facebook. Zuckerberg cho biết công ty đang tập trung vào việc khôi phục niềm tin của người dùng đồng thời nỗ lực xây dựng mạng lưới các cộng đồng trực tuyến.
Bê bối này xảy ra sau một năm đầy rắc rồi của Facebook. Năm ngoái, mạng xã hội này bị cáo buộc tạo điều kiện cho việc lan truyền tin tức giả trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 và các cuộc bầu cử khác ở nước ngoài, đồng thời cho phép sự can thiệp mang tính chính trị từ nước ngoài.
Tuy vậy, giá cổ phiếu Facebook vẫn không ngừng tăng và đang giao dịch sát nút mức đỉnh. Các nhà đầu tư hoặc đang tin tưởng vào những thay đổi mà Facebook cam kết sẽ thực hiện hoặc cho rằng bê bối không mấy ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ty. Trên thực tế, thậm chí sau bê bối Cambridge Analytica và chiến dịch kêu gọi xóa tài khoản Facebook, mạng xã hội này vẫn báo lãi 12 tỷ USD trong quý 1, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.