Từ năm 2007 – 2010, phong trào trồng cao su ở Sơn La “nở rộ” như “hoa giữa mùa xuân”. Thời điểm đó, nhà nhà góp đất, người người góp đất trồng cao su với hy vọng sẽ được “nở mày, nở mặt” nhờ “vàng trắng”.
Người dân Sơn La đang khóc dở, mếu dở vì cây cao su nhưng không dám phản ứng mạnh vì cây cao su được coi là "Tài sản Quốc gia" ở Sơn La
Rời bỏ quê hương đi làm thuê vì... cây cao su
Bà Cà Thị Muôn, dân bản Ca (xã Chiềng Khoang , huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) thở dài sườn sượt, nói: Dân bản Ca đang sống dở, chết dở bởi cây cao su. Trước đây, khi cán bộ tuyên truyền, vận động người dân góp đất trồng cao su, hứa hẹn rất nhiều. Nào là cây cao su sẽ giúp dân bản xóa đói giảm nghèo. Nào là “vàng trắng” sẽ mang lại cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn cho người dân. Chỉ khoảng 6 – 7 năm sau khi trồng, cây cao su sẽ cho mủ...
Tin tưởng vào giá trị kinh tế cao và bền vững của cây cao su, nhiều người dân đã góp đất trồng; nhà nào nhiều thì vài héc ta, nhà ít cũng mấy nghìn mét vuông...
Nếu phù hợp đất đai, khí hậu, sau 6 - 7 năm, cây cao su sẽ cho mủ. Tuy nhiên ở Sơn La, sau gần 10 năm, một số diện tích cao su mới có thể khai thác mủ.
“Riêng gia đình tôi góp hơn 8.000m2. Những năm đầu trồng cao su, chúng tôi còn có việc làm, thu nhập tuy không cao nhưng cũng có thể gắng gượng được. Từ năm 2010, cây cao su khép tán, đồng nghĩa với việc làm cũng ít đi. Mỗi năm, tôi chỉ được Công ty cổ phần cao su Sơn La thuê làm 2 – 3 buổi nên hầu như không có thu nhập từ cao su... Thiếu đất sản xuất, các con tôi phải xuống Hà Nội làm thuê, làm mướn...” – bà Muôn buồn rầu nói thêm.
Nhiều người dân ở Sơn La giờ không còn mặn mà với cây cao su. Không ít người đã nghỉ làm công nhân, chọn cách đi làm thuê, làm mướn
Ngồi cạnh mẹ, chị Cà Thị Xuân (con gái bà Muôn) nói chen vào: Vì không đủ 1ha, nên gia đình tôi không ai được tuyển làm công nhân Công ty cổ phần cao su Sơn La. Với mảnh nương hơn 8.000m2, khi chưa giao đất cho công ty, gia đình tôi trồng ngô, trồng sắn, mỗi năm cũng thu được gần 20 triệu đồng. Cả gia đình 5 – 6 miệng ăn, nếu chỉ trông chờ vào tí ruộng nước thì khó sống lắm. Vì vậy, chồng tôi phải đi làm thuê tận dưới Hà Nội. Rất nhiều người dân ở bản cũng đi làm thuê, làm mướn như chồng tôi...
Một số diện tích cao su trồng từ năm 2007 ở Sơn La đã cho mủ nhưng sản lượng không đạt như mong muốn
Ông Cà Văn Lả ở bản Đúc, xã Chiềng Khoang góp hơn 6ha trồng cao su. Ông Lả phân trần: “Nếu số đất ấy mà đem trồng sắn thì mỗi năm tôi cũng thu trên dưới 100 triệu đồng. Các con tôi ở xa, vợ chồng già cả nên không có ai đi làm công nhân Công ty cổ phần cao su Sơn La. Từ khi góp đất, 7-8 năm nay chúng tôi cứ dài cổ mong ngóng cây cao su cho mủ nhưng vẫn chưa được một đồng sản phẩm nào... Dân bản tôi giờ đã hết hy vọng vào sự đổi đời từ cao su rồi. Nhưng đất thì đã góp giờ không biết phải làm thế nào. Biết lấy gì mà sinh sống đây?...”.
Làm công nhân cao su: Lương 700.000 đồng/tháng, nhiều người chán bỏ việc
Theo quy định của Công ty cổ phần cao su Sơn La, gia đình nào góp từ 1ha đất trở lên thì được một suất làm công nhân của Công ty; còn dưới 1ha thì không được suất làm công nhân mà chỉ được hưởng lợi tức theo thỏa thuận. Mà mức lợi tức ấy du rất còn mù mờ nhưng cũng chỉ được tính khi diện tích cao su đi vào khai thác mủ.
Ông Lò Văn Chơi – Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoang, cho biết: Chiềng Khoang là xã đầu tiên của huyện Quỳnh Nhai thực hiện việc góp đất trồng cây cao su vào năm 2007. Toàn xã có 12 bản góp đất, với diện tích lên đến hơn 450ha. Đến thời điểm này đã có gần 100ha đã cho khai thác mủ. Tuy nhiên, sản lượng mủ không đạt kết quả như mong muốn. Nhiều người làm công nhân cho công ty không thể trang trải cuộc sống hàng ngày vì thu nhập quá thấp...
Anh Lường Văn Oai, bản Nà Pát, xã Chiềng Khoang, cho hay: Năm 2007, gia đình tôi góp 1,2ha đất trồng cao su. Vì thế tôi được nhận vào làm công nhân cho Công ty. Trồng cao su vất vả hơn nhiều so với trồng ngô, trồng sắn. Nếu thu nhập chỉ dừng lại mức như hiện nay thì thấp hơn trồng sắn rất nhiều.
Để cạo mủ, người dân phải dậy từ 4 giờ sáng
Ông Lò Văn Chơi – Chủ tịch UBND xã Chiềng Khoang, cho biết: Chiềng Khoang là xã đầu tiên của huyện Quỳnh Nhai thực hiện việc góp đất trồng cây cao su vào năm 2007. Toàn xã có 12 bản góp đất, với diện tích lên đến hơn 450ha. |
Đầu năm 2017, anh Oai được giao khai thác mủ từ 250 cây cao su. Cứ 3 ngày anh lại cạo mủ một lần. Mỗi lần đi cạo phải dậy rất sớm. Mới 4 giờ sáng, anh đã phải lọ mọ đi cạo mủ mà lượng mủ thu được mỗi lần cạo chỉ được từ 20 – 30kg, đem cân cho Công ty với giá dao động từ 3.000 – 4.500 đồng/kg.
“Bình quân mỗi tháng tôi có thu nhập khoảng 700.000 đồng. Cứ đà này, có lẽ tôi phải nghỉ làm công nhân. Nhiều người dân trong bản đã thôi không làm công nhân rồi. Tôi đang băn khoăn bỏ thì thương vì sẽ mất tất cả; còn vương thì tội vì 700.000 đồng không thể trang trải cuộc sống hàng ngày cho 4 miệng ăn được...” – anh Oai bảo vậy.