Theo dữ liệu được thu thập từ Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới, năm 1995, một người cần sở hữu 11.689 USD để có thể lọt top 10% giàu nhất Việt Nam. Đến nay, ngưỡng này đã được nâng lên 61.580 USD.
Trong khi đó, nếu như chỉ cần 50.455 USD là có thể lọt top 1% giàu nhất Việt Nam, thì nay một người cần có tới 261.084 USD để lọt top này.
Năm 2021, top 1% người giàu nhất Việt Nam chiếm tới 26,5% tài sản của cả nước, trong khi top 10% những người giàu nhất chiếm tới 59%.
Con số này gần như tương tự ở mọi nơi trên khắp thế giới, 10% những người giàu nhất kiểm soát tới 60-80% của cải. Đặc biệt, bất bình đẳng đã tăng vọt ở các nước đang phát triển. Theo nghiên cứu, sự chênh lệch giàu nghèo ở các quốc gia này hiện chiếm hơn 2/3 tỷ lệ bất bình đẳng toàn cầu. Những năm 2000, con số này chỉ là 1/2.
Theo Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới
Tài sản trung bình của những người nằm trong top 1% dân số giàu nhất năm 2021 lên tới 814.776 USD (tương đương 18,5 tỷ VND), top 10% giàu nhất là 181.132 USD (tương đương 4,1 tỷ VND). Trong khi, tài sản trung bình của 50% người nghèo nhất là 3.429 USD (gần 78 triệu VND).
Theo Cơ sở dữ liệu về Bất bình đẳng Thế giới
Để lọt top 0,001% dân số giàu nhất Việt Nam, cá nhân cần có tài sản từ 25,85 triệu USD (591 tỷ đồng) trở lên.
Tuy nhiên, những con số này có thể sẽ chưa hoàn toàn bao quát hết mọi khía cạnh, trong bối cảnh tài sản của rất nhiều người Việt Nam tồn tại chủ yếu dưới dạng bất động sản.
Tại các quốc gia phát triển, điển hình như Mỹ hay Úc, cơ sở dữ liệu về giá trị bất động sản theo giá trị trường sẽ được đưa vào thống kê vì họ đánh thuế trên giá trị bất động sản theo giá thị trường. Do đó khi đánh giá về tổng tài sản, các hãng thống kê sẽ dễ dàng tính toán những giá trị tài sản rất sát với giá thị trường. Ở các quốc gia khác, việc giá nhà tăng lên sẽ được quy vào thu nhập bất thường và người dân phải chịu thuế cho phần thu nhập bất thường đó. Trong khi tại Việt Nam, chưa bộ phận nào cập nhật thông tin nhanh chóng về mức tăng của giá nhà.
Giá trị tài sản ròng là giá trị của tất cả tài sản tài chính và phi tài chính đang sở hữu trừ đi tất cả các khoản nợ chưa thanh toán. Trong đó tài sản bao gồm tiền mặt và các khoản đầu tư, bất động sản, xe ô tô hoặc bất kỳ thứ gì khác có giá trị mà bạn sở hữu.
Theo Báo cáo Thịnh vượng lần thứ 16 của Knight Frank, lượng dân số siêu giàu (UHNWI) - những người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên - tại Việt Nam năm 2021 là 1.234 người, giảm 1% so với con số 1.247 của năm 2020, và số triệu phú đô la là 72.135 người.
Số người siêu giàu tại Việt Nam dự báo sẽ tăng khoảng 26% mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2026, đạt 1.551. Trong khi số triệu phú năm 2026 dự kiến là 114.807 người. Như vậy chỉ 4 năm nữa, cứ khoảng 850 người Việt Nam sẽ có 1 triệu phú USD.