Theo đó, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 dài 729 km, bao gồm các đoạn Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ); Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa); từ Cần Thơ đến Cà Mau sẽ được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập và triển khai theo hình thức đầu tư công. Tiến độ thực hiện Dự án là từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng, gồm 47.169 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.
Khoản vốn đầu tư còn thiếu (khoảngg 72.497 tỷ đồng) sẽ được cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triên kinh tế - xã hội và từ nguồn vôn ngân sách đã bố trí cho ngành GTVT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025; chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 27.324 tỷ đồng.
Báo cáo thẩm tra dự án của Uỷ ban Kinh tế nhận định, dự án đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, do đó cần tập trung ưu tiên bố trí vốn từ Chương trình để bảo đảm tiến độ cho Dự án.
Theo người đứng đầu Bộ GTVT, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng chiều dài 2.063 km, thời gian vừa qua Quốc hội và Chính phủ đã tập trung nguồn lực đầu tư các đoạn có nhu cầu cấp bách (đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km). Tuy nhiên, 756 km còn lại chưa được đầu tư nên việc khai thác chưa đảm bảo tính đồng bộ, chưa phát huy tối đa hiệu quả khai thác.
"Theo kết quả dự báo nhu cầu vận tải, nếu không kịp thời đầu tư các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhu cầu vận tải sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại", Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, việc hoàn thiện các tuyến cao tốc giai đoạn 2, khép kín tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế cũng như xã hội. Trong giai đoạn thi công, dự án sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm, không chỉ cho các kỹ sư, công nhân trực tiếp tham gia xây dựng mà còn cả những người dân địa phương.
Bên cạnh đó, còn có hàng nghìn cơ hội làm việc khác chưa thể thống kê hết từ các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, từ cộng đồng dân cư cung cấp dịch vụ thiết yếu cho sinh hoạt của người lao động tại dự án. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ tăng lên làm tăng trưởng kinh tế địa phương, góp phần nâng cao đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng.
Khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác, với giao thông thuận lợi, các cụm công nghiệp sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư, các vùng sản xuất nông nghiệp sẽ thuận lợi trong việc bán sản phẩm. Việc kết nối thuận lợi và nhanh chóng với hệ thống cảng biển, sân bay, cửa khẩu tạo ra động lực cho sự phát triển về kinh tế. Nhu cầu việc làm tại địa phương sẽ tăng lên, số người di trú tới các tỉnh/thành phố khác để làm việc sẽ giảm xuống, dẫn tới giảm áp lực về hạ tầng tại một số thành phố lớn.
Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của cộng đồng cũng được nâng cao thông qua việc cải thiện y tế và an toàn do giảm tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian tiếp cận với các cơ sở y tế, giáo dục.
"Chính phủ xác định việc đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư quan trọng quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, trong ngắn hạn là kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa, trong dài hạn là phát triển hạ tầng chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên cao nhất cho hệ thống đường bộ cao tốc. Đồng thời, tại Kết luận số 18-KL/TW Bộ Chính trị đã kết luận đây là dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, cần phải tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành Dự án", Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.