(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả).
1. Phân chia quyền lợi về tài chính
Với doanh nghiệp nhỏ gặp vấn đề về uy tín thương hiệu thấp, sản phẩm chưa được nhiều khách hàng đón nhận, doanh thu chưa đều, nhiều khoản phải chi ban đầu và quản trị chi phí yếu kém.
Vì lý do trên, dù lợi nhuận gộp (gross profit) trên mỗi sản phẩm cao nhưng lợi nhuận ròng (net profit) rất ít nên số lượng ít cổ đông thì giá trị tiền được chia sẽ nhiều hơn góp phần ổn định thu nhập, duy trì tinh thần làm việc cho thành viên tham gia.
2. Quyền quyết định tập trung
Lãnh đạo công ty nhỏ cần có sự quyết đoán trong công việc, phân tích dữ liệu và quyết định nhanh để nắm bắt cơ hội thị trường. Khởi sự kinh doanh thường bắt đầu bằng thị trường ngách (niche market), triển khai nhiều hoạt động để tìm kiếm mô hình kinh doanh phù hợp nên việc quyết định nhanh, hành động tốc độ là lợi thế.
Nếu nhiều cổ đông tham gia quyết định một vấn đề thì có đa chiều ý kiến, muốn thể hiện vị thế quyền lực khiến kéo dài quá trình ra quyết định làm cho công ty bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Trong một thị trường ngách, thông tin không nhiều, ít cổ đông tham gia đóng góp ý kiến giúp lãnh đạo công ty quyết định nhanh hơn.
3. Xử lý dễ hơn nếu xảy ra mâu thuẫn nội bộ
Vận hành doanh nghiệp nhỏ dễ xảy ra xung đột vì mục tiêu tập trung vào tìm kiếm lợi nhuận, ít quan tâm xây dựng hệ thống quản trị. Ngoài ra, cổ đông tham gia vận hành doanh nghiệp, mỗi cổ đông kiêm nhiệm nhiều việc gây ra xung đột quản trị. Lãnh đạo nể cổ đông nên không có mô tả công việc, quyền lợi, trách nhiệm và xử phạt.
Với số lượng cổ đông ít, lãnh đạo dễ dàng xử lý hơn nếu xảy ra mâu thuẫn nội bộ như cổ đông không hoàn thành nhiệm vụ, chia bè phái trong công ty, thậm chí dọa bán cổ phần, rút tiền ra khỏi doanh nghiệp, thông qua biện pháp bổ sung nhân sự bên ngoài hỗ trợ, điều chuyển cổ đông sang công việc phù hợp hơn hoặc quyết định cho rời khỏi doanh nghiệp.
4. Tổ chức họp ban quản trị nhanh
Quyết định các việc quan trọng trong công ty như chiến lược kinh doanh, kêu gọi đầu tư, đề xuất mục tiêu năm, hợp tác đầu tư đều phải có sự tham gia của tất cả cổ đông trong ban quản trị. Với ít cổ đông, tổ chức họp ban quản trị nhanh và dễ dàng đi đến quyết định thống nhất, từ đó công ty vận hành hiệu quả hơn vì thời điểm này tốc độ quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp.
5. Tìm kiếm cổ đông phù hợp rất khó
Cổ đông tốt cho doanh nghiệp ngoài góp tiền, góp sức còn phải có chuyên môn về nghề, sự trung thành, nhiệt huyết, trách nhiệm, thái độ tốt vì sự tồn tại và phát triển công ty. Lãnh đạo tìm một cổ đông hội đủ yếu tố trên và phù hợp với sứ mệnh, tầm nhìn của công ty rất khó như mò kim đáy bể.
Lãnh đạo khi tìm được người phù hợp thì kết nạp thành cổ đông, xây dựng hạt nhân quản lý và hỗ trợ lãnh đạo trong vận hành và quản trị công ty. Cổ đông là người đồng hành với lãnh đạo, tác động lớn với sự phát triển của doanh nghiệp, lựa chọn đối tác quan trọng nên lãnh đạo có tiêu chí lựa chọn đối tác làm ăn cho doanh nghiệp mình.
Chúc bạn khởi sự kinh doanh thành công!