Sự thiếu tin tưởng giữa Bắc Kinh và Washington đã cản trở việc Mỹ hỗ trợ Trung Quốc ngăn chặn bệnh dịch chết người lan rộng, tình trạng này đã đẩy Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tình thế bế tắc về chính trị, theo nhận định của các chuyên gia phân tích.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), giới chức Mỹ nói rằng ngay từ đầu họ đã đề nghị cử chuyên gia Mỹ đi theo nhóm chuyên gia của WHO vào đầu tháng 1/2020, thế nhưng dù rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác trong cuộc khủng hoảng y tế công cộng, lời đề nghị từ phía Mỹ không được chấp thuận.
Vào ngày thứ Năm, giới chức Mỹ công bố chưa một người Mỹ nào được mời đến Trung Quốc để tham gia hỗ trợ ngăn dịch bệnh, dù rằng người Mỹ chiếm 13/25 cái tên mà phía WHO gửi sang Trung Quốc để tham gia nhiệm vụ này.
Trong ngày thứ Sáu, Tổng giám đốc WHO khẳng định rằng nhóm làm việc của WHO bao gồm 12 chuyên gia quốc tế và 12 chuyên gia từ Trung Quốc sẽ bắt đầu điều tra về sự lây lan của dịch bệnh và mức độ trầm trọng của nó.
Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của WHO, ông Miky Ryan, cho biết ông tin rằng nhóm làm việc sẽ bao gồm các quan chức y tế từ Mỹ.
Giới quan sát khẳng định rằng tình trạng thiếu tin tưởng ngày một tệ hơn giữa Trung Quốc và Mỹ đã ảnh hưởng đến việc Trung Quốc im lặng trước đề nghị giúp đỡ từ phía Mỹ. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc trước đây đã chỉ trích Mỹ vì đã không cung cấp đủ các biện pháp hỗ trợ đồng thời phản ứng thái quá khi công bố lệnh cấm đi lại.
Đồng biên tập viên báo China Neican, ông Adam Ni, nhận xét: "Việc Trung Quốc không muốn nhận sự giúp đỡ từ phía Mỹ, tôi nghĩ có nguyên nhân từ việc không muốn tạo ra hình ảnh yếu đuối và cần sự hỗ trợ, đặc biệt họ không muốn thể hiện điều đó với người Mỹ".
Dựa theo con số mới công bố, số lượng các ca tử vong lên 1.596 và 56.249 ca lây nhiễm chỉ riêng trong tỉnh Hồ Bắc.
Trong ngày thứ Bảy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hối thúc cộng đồng quốc tế có phản ứng với dịch cúm corona đang lan rộng trên toàn thế giới.
Tính trên toàn thế giới, theo thống kê của WHO, hiện có 69.071 ca lây nhiễm, trong đó 1.666 người đã tử vong và 9.408 ca hồi phục.