Năm 2011, BHXH Việt Nam được Bộ Nội vụ duyệt 115 vị trí, tương ứng 27.000 biên chế. Từ đó đến nay qua 5 năm thực hiện, khối lượng công việc tăng bình quân 2 lần, đối tượng BHYT tăng hơn 2 lần...
Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Về các vấn đề xã hội ngày 23-4, giải trình ý kiến của các đại biểu về cải cách BHXH, trong đó có cải cách bộ máy, bà Nguyễn Thị Minh, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho hay như trên.
Bà Nguyễn Thị Minh , Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho rằng áp lực công việc khiến nhiều "con em lãnh đạo" phải xin nghỉ. Ảnh: Quốc hội
“Đại biểu bảo rà soát lại, nhưng chúng tôi sợ làm lại cũng không giảm được (biên chế) dù tính cả áp dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Nhìn vào cường độ làm việc, tất cả địa phương đều nói không có ngành nào làm việc nhiều như BHXH. Phải làm cả thứ Bảy, Chủ nhật, vi phạm luôn Luật Lao động, tức làm thêm trên 200 giờ/năm. Mà ở đây có nhiều con em của các lãnh đạo không chịu được áp lực nên đã xin nghỉ” - bà Minh nói.
Vậy câu hỏi đặt ra ngành BHXH có tinh giản biên chế được không, tại sao “con em lãnh đạo” lại xin nghỉ việc và nhân viên BHXH vi phạm Luật Lao động?
Theo báo cáo gần đây của BHXH Việt Nam, toàn hệ thống BHXH Việt Nam có 20.018 nhân viên. Năm 2015, ngành phải chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy là 2.684 tỉ đồng (tăng 6% so với năm 2014). Năm 2017, chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy các cấp đã lên đến hơn 4.200 tỉ đồng.
Tuy nhiên BHXH vẫn muốn tăng thêm biên chế nên từng đề nghị Bộ Nội vụ cho bổ sung khoảng 11.649 biên chế cho 4 lĩnh vực: công tác thu BHXH, y tế, thất nghiệp; cấp sổ, thẻ; giải quyết chế độ; giám định BHYT. Đề nghị này không được Bộ Nội vụ chấp nhận.
Trả lời báo Pháp Luật TP.HCM sau đó, ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho biết nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan giám sát quỹ BHXH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu BHXH Việt Nam giữ nguyên số lượng biên chế. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam phải tăng điều kiện làm việc và chất lượng để công tác BHXH phải minh bạch…
Với mục tiêu hạn chế tăng biên chế và tiến tới giản biên chế, Chính phủ nhiều lần chỉ đạo BHXH đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế nhằm giảm thời gian làm thủ tục kê khai nộp tiền đóng. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới việc liên thông hệ thống phần mềm giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh...
Theo đó, ngành bảo hiểm đã bỏ ra cả ngàn tỉ đồng mỗi năm để ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, đến nay BHXH Việt Nam mới liên thông dữ liệu trong hệ thống cơ quan BHXH toàn quốc mà chưa kết nối với các cơ sở y tế gây khó khăn trong việc quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng chế độ BHXH. Người lao động vẫn còn “tù mù” các thông tin bảo hiểm xã hội.
Theo đánh giá của một số bộ, việc triển khai ứng dụng công nghệ ảnh hưởng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà cho người lao động và người sử dụng lao động trong tham gia và thụ hưởng BHXH.
Như vậy, việc triển khai ứng dụng công nghệ chậm đã làm cho nhân viên ngành bảo hiểm xã hội phải tăng cường độ cao, khiến “con em lãnh đạo” không chịu được áp lực và khó tinh giản biên chế là điều dễ hiểu.
Hệ số lương ngành bảo hiểm là 1,8
Hiện cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định. Bao gồm: Tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ. Phần hệ số lương tăng thêm 0,8 này đang tương đương hoặc thậm chí cao hơn phụ cấp ưu đãi nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; chế độ phụ cấp thâm niên nghề đối với nhà giáo.
Chi quỹ lớn
Năm 2017, tính riêng chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp là 7.862 tỉ đồng. Chi phí quản lý bộ máy là 4.241 tỉ đồng; chi tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia, quản lý người thụ hưởng, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính, phối hợp thu, chi trả chế độ, thanh tra, kiểm tra là 4.658 tỉ đồng; chi ứng dụng công nghệ thông tin là 1.221 tỉ đồng, chi đầu tư phát triển là 1.800 tỉ đồng.
|