Theo điều tra về xu hướng sử dụng truyền thông 2017 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản , việc ứng dụng AI tại các doanh nghiệp Nhật mới chỉ có 1,9%, tuy nhiên nhu cầu của Nhật Bản về công nghệ mới nổi như IoT, AI, Robotics, xe tự hành… đang tăng lên rất nhanh.
Về nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) nói chung, Nhật đang thiếu hụt khoảng 171.000 kỹ sư và dự báo thiếu 369.000 kỹ sư và 48.000 kỹ sư trong các mảng công nghệ mới vào năm 2020. Sự thiếu hụt nguồn nhân lực cùng nhu cầu tăng cao về nhân lực công nghệ mới sẽ mở ra nhu cầu hợp tác rất lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam trong thời gian tới.
Thế nhưng Nhật Bản cũng là một thị trường khó tính trong lĩnh vực công nghệ. Theo khảo sát được công bố tại sự kiện Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2018 được tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức, các doanh nghiệp Việt Nam đã thành công khi tiếp cận thị trường Nhật Bản do các doanh nghiệp này đạt được các tiêu chuẩn của Nhật Bản.
Ngoài ra một trong những cách tiếp cận thị trường Nhật Bản được các doanh nghiệp Việt Nam lựa chọn là thành lập văn phòng tại Nhật Bản vừa để dễ dàng kết nối với các doanh nghiệp Nhật hơn, vừa có thể tuyển được cả những nhân viên tại Nhật.
Bên cạnh đó việc chi phí để hợp tác công nghệ với Việt Nam vẫn là yếu tố cạnh tranh tốt khi so sánh với các nước khác.
Đánh giá của HackerRank (Mỹ), Việt Nam là đất nước có tiềm năng về phát triển phần mềm xếp thứ 1 ở Đông Nam Á và xếp thứ 23 trên toàn thế giới. Còn theo chương trình đánh giá sinh viên quốc tế do OECD nghiên cứu, kết quả học tập của học sinh Việt Nam nằm trong Top 20 và đặc biệt giỏi về toán và khoa học là đó chính là nền tảng cho giáo dục đại học về công nghệ.
Hiện tại có 290 trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam cung cấp đào tạo CNTT và có khoảng 55.000 sinh viên CNTT theo học hàng năm.
Điều này tạo ra thế mạnh về nhân lực trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam.
Trong lĩnh vực phần mềm, hiện nay Nhật Bản vẫn là thị trường lớn của các doanh nghiệp Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đều có doanh thu tăng mạnh khi tham gia vào các hoạt động gia công, xuất khẩu phần mềm sang thị trường Nhật Bản. Việt Nam đã đứng trong nhóm 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm; doanh thu xuất khẩu phần mềm tăng trung bình 15%/năm; trong đó xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản chiếm tỉ trọng lớn.
Đối với Việt Nam, trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản về các xu hướng công nghệ mới như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuyển đổi số là điều cần thiết.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Minh Hồng: “Trong lĩnh vực TT&TT, mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản liên tục được thúc đẩy, cả ở cấp độ cơ quan quản lý cũng như cấp độ doanh nghiệp.
Nhật Bản là một quốc gia đi đầu với nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, ứng dụng CNTT trên mọi lĩnh vực. Trong thời gian tới, tôi mong muốn Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ đã được thống nhất.”