"Các yêu cầu về lao động và môi trường của EVFTA sẽ giúp mang lại lợi ích cho tất cả các bên, giúp Việt Nam phát triển bền vững bằng cách tránh cuộc đua xuống đáy và đảm bảo tăng trưởng hiện tại không phải trả giá bằng các cơ hội của thế hệ tương lai", TS. Lee Chang – Hee, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế ILO Việt Nam hào hứng nói.
Câu chuyện này đã được ông Lee Chang-Hee nhấn mạnh nhiều lần mỗi trước mỗi tiến trình của Hiệp định EVFTA.
Bởi lợi ích của việc tham gia EVFTA không chỉ dừng lại ở những chỉ số kinh tế tăng thêm, xa hơn, đây là động lực phát triển bền vững cho một đất nước. Là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, EVFTA rất chú trọng đến vấn đề lao động, xã hội, môi trường. Điều này được nói đến cụ thể trong chương 13.
Cụ thể như vấn đề lao động, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) cam kết thúc đẩy phát triển thương mại song song với tạo việc làm bền vững cho tất cả mọi người; đồng thời phê duyệt, thực hiện nghĩa vụ, quy định của các Công ước cơ bản do ILO đưa ra như: Loại bỏ lao động cưỡng bức, xóa bỏ phân biệt, đối xử trong việc làm và nghề nghiệp, bãi bỏ lao động trẻ em… Những cam kết về lao động được thực thi sẽ góp phần cải thiện điều kiện làm việc, mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động.
Cùng với Hiệp định CPTPP, EVFTA sẽ là cơ hội để Việt Nam hiện đại hoá pháp luật lao động và hệ thống quan hệ lao động, ông Lee Chang-Hee kỳ vọng.
"Hiệp định EVFTA có hiệu lực, người lao động sẽ có lợi rất nhiều", ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định.
"Họ sẽ có thêm việc làm. Việc làm sẽ bền vững hơn, người lao động sẽ có thu nhập cao hơn. Ở một góc độ khác, luân chuyển lao động giữa hai khu vực với nhau cũng sẽ được thực hiện nhất là với những tiêu chuẩn rất cao của EU thì người lao động chắc chắn sẽ được làm việc trong một điều kiện an toàn hơn", ông Hiểu nói.
Tính toán của Bộ KHĐT cho thấy trung bình 146.000 việc làm/năm được tạo ra nhờ tham gia EVFTA, tập trung ở nhóm ngành thâm dụng lao động và có tốc độ xuất khẩu cao qua châu Âu.
Bên cạnh đó, ông Hiểu cho biết, đối với điều khoản về tiêu chuẩn lao động, việc công đoàn Việt Nam chấp nhận phải cạnh tranh với tổ chức khác sẽ tạo nên thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực.
Bên cạnh những lợi ích cho người lao động, ở chiều ngược lại, hiệp định EVFTA cũng tạo ra sức ép nhất định với cộng đồng lao động về tay nghề, kỹ năng…
"Các doanh nghiệp châu Âu cần nhiều lao động có kinh nghiệm, chuyên môn, kỹ năng chuyên ngành, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ", ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham nói.
Thực tế, chất lượng lao động của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Đến cuối năm 2019, số liệu của Bộ LĐTB&XH cho thấy chỉ có 23,14% người lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên và tỷ lệ này chỉ tăng lên 25,82% vào năm 2021.
Những ngành được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực lại tập trung nhiều lao động phổ thông, dễ mất việc làm do máy móc sẽ thay thế…
Do vậy để tận dụng những cơ hội việc làm do Hiệp định EVFTA mang lại, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đều cho rằng, tất cả các bên liên quan phải cùng vào cuộc, chung tay xây dựng, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, đồng thời chủ động đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.
Cụ thể, Việt Nam cần quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo gắn với phát triển khoa học và công nghệ, đầu tư nhân rộng, phát triển các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế; thu hút doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề; tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động…