Nguyên nhân bởi dầu là thành phần có trong rất nhiều sản phẩm từ nguyên liệu, nhiên liệu cho hoạt động vận tải cho đến dược phẩm, may mặc, hóa chất... Vì vậy, tác động của giá dầu tăng sẽ không chỉ được người tiêu dùng cảm nhận ở các trạm xăng khi mua xăng mà còn ở hầu như tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát leo thang.
Nhu cầu đối với dầu sụt giảm vào năm 2020 trong thời kỳ đại dịch bị đình trệ khiến giá lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới 0 do sự suy thoái lớn trong hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, giá dầu trên thế giới kể từ đó đã tăng mạnh lên gần 100 USD/thùng sau khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ sau các đợt giãn cách xã hội. Cụ thể, kết phiên ngày 23/2, giá dầu Brent vững ở 96,84 USD/thùng, sau khi chạm mức 99,50 USD, mức cao nhất kể từ tháng 9/2014 trong phiên liền trước; dầu Tây Texax Mỹ (WTI) tăng 19 US cent lên 92,10 USD/thùng, phiên liền trước loại này đạt 96 USD/thùng.
Tại Việt Nam, chiều ngày 21/2, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng mạnh. Cụ thể, xăng E5 lên 25.532 đồng/lít, xăng A95 lên 26.287 đồng/lít. Với mức tăng giá lần này, giá xăng RON 95 vượt mức "đỉnh" vào tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít), đây là mức cao nhất từ năm 2005 trở lại.
Lý giải về sự tăng giá này, ông Maciej Kolaczkowski, Giám đốc Ngành Dầu khí từ Nền tảng Năng lượng, Vật liệu, Cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đã đưa ra các yếu tố chính quyết định giá dầu, tác động của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu và tác động đến quá trình chuyển đổi năng lượng.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế bùng nổ thúc đẩy nhu cầu dầu. Cụ thể, ông Maciej Kolaczkowski phân tích, hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu mỏ đã có sự sụt giảm nghiêm trọng khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện 2 năm trước.
Thời điểm đó, các nhà sản xuất dầu đã phải điều chỉnh mức sản xuất, khả năng lưu trữ dầu cũng bị hạn chế. Hơn nữa, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế là điều không ai lường trước.
"Những yếu tố tổng hợp này đã đẩy giá dầu xuống mức rất thấp chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Thậm chí đã có một thời gian ngắn giá dầu giảm xuống âm 40 USD", ông Maciej Kolaczkowski cho hay.
Bên cạnh đó, khi các nền kinh tế dần trở lại bình thường, nhu cầu về dầu mỏ cũng phục hồi. Song, nguồn cung vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ khi nhu cầu gia tăng. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nhưng khả năng dự phòng của khối này khá hạn chế và có lẽ các nhà sản xuất cũng thận trọng để không tăng nguồn cung quá mức trên thị trường một lần nữa.
Ngoài ra, hoạt động sản xuất dầu có chu kỳ đầu tư rất dài. Có thể mất đến một thập kỷ trước khi một nhà sản xuất thu được những giọt dầu đầu tiên kể từ thời điểm xác nhận rót vốn. Một số nguồn cũng phi truyền thống có thể tăng sản xuất nhanh hơn nhiều, nhưng những nguồn này bị hạn chế về quy mô.
Hơn nữa, tất cả các nhà sản xuất đều thận trọng trong việc phân bổ vốn. Đầu tiên, họ đã rút ra bài học từ một thị trường cung vượt cầu khi giá dầu rơi xuống - 40 USD/thùng. Thứ hai, đang xuất hiện nhiều sức ép mạnh mẽ đối với ngành công nghiệp này về việc không được phát triển các khu vực khai thác mới, tạm ngưng hoặc giảm đầu tư cho hoạt động duy trì và tăng cường sản xuất, đồng thời chuyển hướng dòng vốn sang đầu tư xanh.
Một yếu tố đang thu hút sự chú ý của thế giới là căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa Nga và Ukraine. Diễn biến này đang góp phần làm gia tăng những lo ngại về nguồn cung năng lượng.
Giá dầu sẽ còn biến động trong bao lâu?
Ông Maciej Kolaczkowski cho biết, iá dầu cao là một thách thức đối với các nước nhập khẩu đồng thời có lợi cho các nước xuất khẩu. Với sự thay đổi giá cả, có sự thay đổi trong lợi nhuận giữa các nước sản xuất dầu và tiêu thụ dầu.
Người đứng đầu bộ phận Dầu khí thuộc Nền tảng Cơ sở hạ tầng, Vật liệu và Năng lượng của WEF nhận định rằng, giá dầu sẽ tiếp tục biến động trong dài hạn. Hiện rất khó dự đoán mức giá hoặc thậm chí hướng thay đổi của mặt hàng này.
Chuyên gia trên cho rằng giá dầu có thể ở mức 100 USD/thùng hoặc hơn, song sẽ không lâu và chắc chắn sẽ không giữ ở mức này mãi. Vì trong trung hạn, nguồn cung sẽ bắt kịp đà tăng của nhu cầu trong khi hy vọng căng thẳng địa chính trị giảm bớt. Về dài hạn, chuyên gia của WEF cho rằng nhu cầu sẽ ổn định và có thể bắt đầu giảm tại một thời điểm nhất định. Sau đó, sẽ rất khó để giá dầu tăng cao hơn.
Yếu tố không chắc chắn ở đây là khi nào điều đó sẽ xảy ra và các chuyên gia bị chia rẽ rất lớn về vấn đề này. Một số người nói rằng triển vọng đó chỉ cách vài năm nữa, một số khác lại nói rằng có thể cần vài thập kỷ.
Tham khảo: WEF