Nhu cầu đối với dầu đã vượt xa tốc độ tăng trưởng của hoạt động sản xuất khi các nền kinh tế toàn cầu hồi phục sau thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch. Điều này phần nào giúp thị trường có thể "chống đỡ" cú sốc nguồn cung dầu. Nga hiện là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới.
Nếu có 1 cuộc xung đột xảy ra ở Ukraine, dòng chảy dầu từ Nga ra thị trường nói chung sẽ sụt giảm đáng kể. Điều này cực kỳ nguy hiểm cho sự cân bằng giữa cung và cầu.
Theo các nhà phân tích, những yếu tố trên đã khiến giới đầu tư trong những ngày gần đây đặt cược khá lớn vào phần bù rủi ro (risk premium). Giá dầu thô - chưa từng đạt mốc 100 USD từ năm 2014, hiện đã leo lên mức cao nhất trong 8 năm do lo ngại về căng thẳng giữa Ukraine và Nga.
Jason Bordoff - giám đốc sáng lập Trung tâm Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Columbia, cho hay: "Chúng ta đang chứng kiến thời kỳ đầy hỗn loạn. Mối đe dọa đang trở nên rõ ràng hơn khi thị trường năng lượng bị siết chặt."
Mối lo ngại về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang làm tăng biến động đối với thị trường chứng khoán trong bối cảnh lạm phát tăng nóng và lợi suất trái phiếu cao. Các nhà phân tích và tư vấn cho biết Nga cũng là nước xuất khẩu lớn đối với các loại hàng hóa khác, bao gồm lúa mì, có thể ảnh hưởng đến giá cả trong trường hợp xung đột quân sự xảy ra.
Hiện tại, các nhà phân tích cho rằng sự gián đoạn lớn vẫn chưa xảy ra, vì chính quyền Tổng thống Joe Biden chưa báo hiệu sẽ có các biện pháp trả đũa - có thể bao gồm việc trừng phạt Nga trong lĩnh vực năng lượng. Nga hiện phụ thuộc rất nhiều vào doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch, khiến nước này khó có thể đóng cửa khi đưa ra hành động đáp trả.
Song, Nhà Trắng cho biết việc tung ra đòn trả đũa là một điều chắc chắn và chiến tranh có thể dẫn đến hệ quả khó lường. Hôm thứ Sáu, Mỹ cảnh báo mâu thuẫn quân sự của Nga có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, khả năng khiến hàng chục nghìn người thương vong. Nga hiện đã phủ nhận khả năng xảy ra xung đột quân sự ở biên giới với Ukraine.
Thế giới đang chịu rủi ro khá cao. Giá xăng và dầu tự nhiên tăng mạnh có thể tác động đến giá xăng và nhiều mặt hàng tiêu dùng. Theo đó, khả năng lạm phát càng bị đẩy lên cao.
Nga đóng vai trò quan trọng đối với thị trường hàng hóa toàn cầu. Theo Ngân hàng đầu tư Cowen, nước này xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu và khoảng 2,5 triệu thùng các sản phẩm dầu mỏ/ngày. Khoảng 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga đến châu Âu và 30% đến Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine diễn ra trong bối cảnh OPEC và các đồng minh cam kết sẽ tăng sản lượng dầu khi nhu cầu hồi phục, nhưng không đạt được mục tiêu sản xuất ban đầu. Năm ngoái, OPEC đồng ý nâng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng.
Andy Lipow - nhà phân tích về dầu và chủ tịch của Lipow Oil Associates tại Houston, nhận định, đến nay, con số vẫn chưa đạt 1 triệu thùng/ngày, thấp hơn 1 chút so với mục tiêu. Ông nói: "Thị trường hiện đang đặt câu hỏi về khả năng khôi phục sản lượng của OPEC+ về mức trước đại dịch."
Ông cho biết thêm, Ả Rập Xê-út và UAE là 2 nhà sản xuất của OPEC+ có sản lượng dự phòng khá cao. IHS Markit dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng từ 3,8 triệu thùng đến 4 triệu thùng/ngày từ tháng 1 đến tháng 12.
Trong khi đó, dù các nhà sản xuất dầu của Mỹ đang tăng công suất các giàn khoan để ứng phó với tình trạng giá tăng cao, nhưng sản lượng phải mất nhiều tháng để cải thiện. Các công ty đá phiến hiện đã cam kết hạn chế tăng sản xuất và trả cổ đông nhiều tiền mặt hơn. Điều này có khả năng sẽ giảm khả năng bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung của họ.
Giới phân tích cho biết, hiện tại, nhiều khả năng hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga sẽ bị gián đoạn. Theo Cowen, Nga xuất khẩu khoảng 650 tỷ m3 khí đốt mỗi ngày, chiếm khoảng 25% thương mại toàn cầu và 85% lượng khí đốt đó được chuyển đến châu Âu. Đặc biệt, dòng khí đốt từ Nga đến châu Âu được bơm qua mạng lưới đường ống ở Ukraine và có thể bị gián đoạn nếu xung đột xảy ra.
Nga sẽ phải trả giá đắt nếu giảm sản lượng xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của nước này. Theo ngân hàng đầu tư Raymond James, khoảng 1 nửa ngân sách nước này gắn với dầu và khí đốt. Tổng thống Biden cho biết đường ống Nord Stream 2 do Nga xây dựng đến Đức sẽ bị ngừng hoạt động nếu Nga có hành động quân sự với Ukraine. Chỉ riêng điều này sẽ khiến công ty năng lượng Gazprom mất 11 tỷ USD.
Hành động này cũng có thể gây tác động mạnh đối với thị trường dầu mỏ, theo giới phân tích. Nguyên nhân là do thị trường sẽ có sự cạnh tranh gay gắt và giá khí đốt tăng cao có thể khiến một số nhà máy điện và các nhà máy chạy bằng khí đốt khác phải dùng dầu để thay thế - khiến giá dầu leo thang.
Ngay cả khi Mỹ không nhắm mục tiêu vào ngành năng lượng của Nga, các lệnh trừng phạt khác cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường. hàng hoá, Matthew Reed - nhà phân tích của công ty tư vấn Foreign Reports, cho biết nếu Mỹ trừng phạt các tổ chức tài chính, dòng vốn chảy vào hoạt động khai thác năng lượng sẽ gặp khó khăn hơn.
Ông nói thêm: "Rủi ro thực sự ở đây không hẳn là lần trừng phạt đầu tiên nếu không răn đe được Nga, mà đó là đợt thứ 2 được nhắm trực tiếp đến nguồn cung năng lượng."
Tham khảo WSJ