Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp hội tụ gió trên cao 1500m, đêm ngày 24/3/2020, trên địa bàn tỉnh Lai Châu xuất hiện mưa đá, gió lốc đã gây thiệt hại về tài sản của nhân dân.
Cụ thể, tại xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) có 50 hộ bị vỡ, thủng, tốc mái từ 80-90%; xã Thân Thuộc có 10 hộ bị vỡ, thủng, tốc mái dưới 30%.
Lực lượng bộ đội giúp dân khắc phục thiệt hại do mưa đá.
Xã Tà Mít có 2 hộ bị vỡ, thủng, tốc mái dưới 30%. Xã Mường Khoa có tới 500 hộ bị vỡ, thủng, tốc mái (trong đó 200 hộ thiệt hại từ 70-100%; 300 hộ bị thiệt hại từ 20-70%).
Xã Trung Đồng có 470 hộ bị vỡ, thủng, tốc mái (trong đó 350 hộ bị thiệt hại 70-100%; 90 hộ bị thiệt hại từ 20-70%).
Ngoài ra, huyện Tân Uyên còn có 16,7ha chanh leo (xã Mường Khoa); 3ha lúa, 27ha ngô (xã Trung Đồng) bị thiệt hại, ước tổng giá trị thiệt hại trên 8,6 tỷ đồng. May mắn, không có thiệt hại về người.
Nhiều diện tích hoa màu bị thiệt hại.
Tại Lào Cai, từ đêm về sáng ngày 24 đến ngày 25/3/2020 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to ở nhiều nơi, cá biệt một số nơi có mưa kèm theo dông lốc, mưa đá.
Theo báo cáo nhanh của các huyện Sa Pa, Bảo Yên, Bắc Hà, đến thời điểm 7h ngày 25/3/2020, tình hình thiệt hại sơ bộ như sau: Có 1 người ở thôn Móng Sến 1, xã Trung Chải, huyện Sa Pa thiệt mạng do bị sét đánh khi đang ở trên nương.
Tại huyện Sa Pa, Bảo Yên, Bắc Hà có một số nhà ở và diện tích cây trồng bị ảnh hưởng
Ngay sau khi mưa đá xảy ra, UBND, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Tân Uyên đã khẩn trương chỉ đạo UBND, ban chỉ huy phòng chống thiên tai các xã, thị trấn tuyên truyền nhân dân các hộ chủ động khắc phục, sửa chữa nhà bị hư hỏng để ổn định cuộc sống.
Đối với hộ dân bị thiệt hại về nhà, trước mắt chính quyền đã huy động người dân hỗ trợ hộ gia đình di chuyển đồ đạc, tài sản đến ở tạm tại nhà người thân, chủ động mua vật tư sửa chữa nhà, khắc phục thiệt hại; tiến hành kiểm tra, rà soát, báo cáo chi tiết thiệt hại.
Đối với các diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng: Vận động nhân dân sớm thu hoạch, canh tác lại với các loại cây ngắn ngày. Riêng đốivới các diện tích cây trồng theo mùa vụ, dài ngày, tổ chức làm đất, thu dọn phần bị thiệt hại và chuẩn bị canh tác cho mùa vụ tiếp theo.
Tương tự, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh Lào Cai cũng kịp thời chuyển các bản tin cảnh báo thời tiết, đồng thời đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác trực ban 24/24h, xác định, làm rõ nguyên nhân thiệt hại về người, tài sản, hoa màu ...
UBND các huyện đã huy động lực lượng tại chỗ giúp đỡ người dân sơ tán tài sản và bố trí chỗ ở tạm đối với các hộ có nhà bị hư hỏng; bố trí người canh gác và cắm biển cảnh báo tại khu vực cầu treo, hướng dẫn người và phương tiện tham gia giao thông; tổ chức rà soát, thống kê, báo cáo thiệt hại theo quy định.
Về nguyên nhân mưa đá, dông lốc, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai là do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường yếu, kết hợp tác động của vùng hội tụ gió trên cao; giao mùa cũng là thời điểm hay xuất hiện mưa đá, tuy nhiên cường độ xuất hiện thời gian gần đây khá dày.