Ăn miếng trả miếng
Trung Quốc ngày 4/4 tuyên bố đáp trả bất kỳ mức thuế thương mại mới nào mà Mỹ áp đặt bằng các biện pháp tương đương về quy mô và cường độ.
Cảnh báo trên do Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đưa ra sau khi Bắc Kinh áp thuế quan lên các mặt hàng xuất khẩu trị giá 3 tỷ USD của Mỹ như hoa quả, thịt lợn, ống thép.
Chiến tranh thương mại sẽ khiến cả Mỹ và Trung Quốc thiệt hại nặng nề. Ảnh: BBC
Những biện pháp này nhằm đáp trả mức thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp lên thép và nhôm của Trung Quốc và các nước khác. Ông Trump cũng thông báo có kế hoạch áp thuế với số hàng hóa trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc.
Một loạt lời đe dọa và tăng thuế đã khiến thế giới lo sợ rằng thiệt hại do cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tồi tệ hơn.
Theo MarketWatch, cho dù Tổng thống Trump từng tự tin nói rằng “chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ thắng”, nhưng cuộc chiến thương mại này với Trung Quốc có thể gây ra “thương vong” nặng nề cho cả hai bên và nền kinh tế toàn cầu. Và điều quan trọng là Mỹ khó có cửa thắng Trung Quốc.
Chiến tranh thương mại là sự gia tăng các biện pháp thuế quan theo kiểu ăn miếng trả miếng, nhằm trừng phạt quốc gia khác hơn là bảo vệ sản phẩm nội địa.
Nếu Mỹ định thực hiện lời đe dọa áp đặt thuế với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu trị giá 50 tỷ USD, Trung Quốc có thể đáp trả mạnh hơn gấp bội.
Thiệt hại khó lường
Không ai thắng trong một cuộc chiến thương mại. Khi nước này tìm cách trừng phạt nước kia bằng cách áp thuế với hàng hóa của nước đó, các nhà xuất khẩu ở quốc gia mục tiêu sẽ thiệt hại, người tiêu dùng và các ngành tiêu thụ hàng nhập khẩu ở quốc gia trừng phạt cũng bị thiệt hại.
Trong thực tế, thiệt hại kinh tế của quốc gia trừng phạt sẽ còn nặng nề hơn thiệt hại của quốc gia bị trừng phạt. Nếu quốc gia mục tiêu trả đũa, "thương vong" sẽ còn to lớn hơn với cả hai bên.
Đây chính là điều đang và sẽ diễn ra trong cuộc chiến thương mại gay gắt vừa bắt đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Rủi ro sẽ rất lớn trong bối cảnh Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ ba của Mỹ.
Việc Mỹ áp thuế trừng phạt chính sách sở hữu trí tuệ của Trung Quốc sẽ gây ra thiệt hại mà người dân Mỹ phải hứng chịu. Gần một nửa trong số 505 tỷ USD hàng hóa mà người Mỹ nhập từ Trung Quốc năm 2017 là sản phẩm tiêu dùng như điện thoại di động, đồ chơi, đồ đạc, quần áo, giày dép. Áp thuế với các mặt hàng này sẽ tác động ngay tới túi tiền của hàng chục triệu người Mỹ. Kinh tế Mỹ là nền kinh tế tiêu dùng, hàng hóa chủ yếu nhập khẩu, do vậy thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Thuế suất với các mặt hàng nhập khẩu chính khác từ Trung Quốc, như máy tính, máy móc, thiết bị công nghiệp sẽ khiến các công ty Mỹ lao đao, tăng giá thành và giảm cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Hàng trăm nghìn công nhân Mỹ có thể mất việc.
Theo MarketWatch, việc Mỹ áp đặt thuế sẽ không giúp gì cho mục tiêu giảm thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với Trung Quốc. Nếu những mức thuế này thành công trong giảm hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, người Trung Quốc sẽ có ít USD hơn để mua hàng xuất khẩu Mỹ hoặc để đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ hay các công ty Mỹ.
Cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và hàng xuất khẩu tới Trung Quốc sẽ giảm, khiến cán cân thương mại hầu như không thay đổi mà lại còn làm giảm dòng thương mại.
Thâm hụt song phương với Trung Quốc không phải do chính sách thương mại khác nhau mà là do các nhân tố đằng sau như lãi suất tiết kiệm và đầu tư quốc gia, cũng như mức cầu bình thường của người tiêu dùng.
Ở Trung Quốc, tiết kiệm quốc gia vượt quá tổng đầu tư, vì thế tiết kiệm thặng dư chảy qua Thái Bình Dương để đầu tư vào Mỹ. Khi người Trung Quốc mua trái phiếu kho bạc Mỹ, họ giúp chính phủ liên bang Mỹ có tiền cho quân đội và các hoạt động khác với chi phí đi vay thấp hơn.
Hiểu lầm về thâm hụt thương mại
Thâm hụt song phương là con số gây hiểu lầm còn do một lượng lớn giá trị hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc thực ra bắt nguồn từ nơi khác chứ không phải Trung Quốc.
Các đồ công nghệ cao như iPhone được lắp ráp ở Trung Quốc nhưng phần lớn tổng giá trị của chiếc iPhone lại nằm ở các bộ phận được sản xuất ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, theo hệ thống kế toán thương mại Mỹ, tổng giá trị của iPhone bị xếp vào dạng hàng “nhập khẩu” từ Trung Quốc. Khi các bộ phận của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được đưa vào phần của các nước thực sự sản xuất thì thâm hụt thương mại song phương Trung Quốc-Mỹ giảm khoảng 40%.
Thâm hụt còn gây hiểu lầm ở chỗ phớt lờ thương mại dịch vụ. Năm 2016, Mỹ thặng dư song phương với Trung Quốc về thương mại dịch vụ gần 40 tỷ USD. Các công ty Mỹ cũng bán dịch vụ và hàng hóa mang thương hiệu của họ ở Trung Quốc thông qua các công ty liên kết.
Theo số liệu gần đây nhất từ Bộ Thương mại Mỹ, các công ty liên kết do Mỹ sở hữu ở Trung Quốc bán 294 tỷ USD tiền hàng và 59 tỷ USD tiền dịch vụ năm 2015.
Theo MarketWatch, cách hợp lý để tiếp cận thương mại với Trung Quốc là không gây một cuộc chiến thương mại "bất khả chiến thắng". Mỹ cần tìm kiếm hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề thuộc lợi ích chung.
Trong hợp tác với các nền kinh tế phát triển khác, Mỹ cần tìm cách khuyến khích cải cách ở Trung Quốc để giải quyết vấn đề như tài sản trí tuệ hay sắt thép.
Theo ông Daniel Griswold, thành viên nghiên cứu cấp cao của Chương trình Kinh tế Mỹ và Toàn cầu hóa thuộc Đại học George Mason, sự hợp tác này có thể mang lại kết quả có lợi mà không gây hậu quả cho cả hai bên trong một cuộc chiến thương mại.
Xem link bài gốc tại đây