Theo hãng tin CNN, lạm phát đang lan rộng khiến hàng triệu người Mỹ phải cắt giảm chi tiêu. Khảo sát của hãng nghiên cứu NPD Group cho thấy 80% người Mỹ đang suy nghĩ về việc từ bỏ bớt các khoản chi tiêu của mình trong 3-6 tháng tới vì giá cả lên quá cao.
"Người tiêu dùng đang có sự giằng xé giữa việc mua thứ họ muốn hoặc tiết kiệm để tránh bị cháy túi", giám đốc Marshal Cohen của NPD nhấn mạnh.
Thắt chặt hầu bao
Hãng tin CNN nhận định khi giá cả leo tháng, người tiêu dùng sẽ lựa chọn những mặt hàng rẻ hơn, hạn chế những chi tiêu không cần thiết như ăn nhà hàng và thậm chí là chẳng muốn tùy hứng như trước nữa. Các quầy hàng gần khi tính tiền hay những chiêu trò thiết kế để khách hàng chi tiêu nhiều hơn nay đã khó áp dụng với đà lạm phát leo thang.
Lạm phát ở Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ những năm 1980.
Theo NPD, người Mỹ hiện nay không chỉ mua sắm ít đi mà thú vui đi "shopping", ngắm nghía cũng giảm do mất niềm tin vào nền kinh tế. Cụ thể trong quý I/2022, người Mỹ mua sắm tại siêu thị ít hơn 6% so với cùng kỳ năm trước bất chấp nền kinh tế đã mở cửa trở lại. Tỷ lệ đi dạo tại các trung tâm mua sắm cũng giảm 5% trong cùng kỳ.
Đồng quan điểm, báo cáo doanh thu của Walmart vào tháng 5/2022 cho thấy người tiêu dùng đang có sự chuyển biến khi lựa chọn đồ rẻ hơn, mua ít hơn trong mỗi lần đến siêu thị. Tương tự, chuỗi siêu thị Target cũng nhận định khách hàng ngày nay đang giảm chi tiêu, từ bỏ những mặt hàng như nội thất, đồ bếp hay TV mà chỉ tập trung vào những sản phẩm thiết yếu như thực phẩm. Thậm chí đến hàng khuyến mãi hay những chiêu trò kích thích mua sắm cũng không dùng được nữa.
Ngay cả đến các siêu thị giá rẻ, bán đồng giá 1 USD cũng đã không còn thu hút được khách hàng như xưa, nhiều cửa hàng đã phải nâng lên 1,25 USD vì lạm phát quá kinh khủng.
CEO Todd Vasos của chuỗi bán lẻ Dolla General cho biết trước đây người Mỹ nhận được nhiều tiền trợ cấp của chính phủ chống đại dịch, đi kèm với chính sách kích thích kinh tế lớn của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nên mọi người chi tiêu nhiều hơn. Thế nhưng với đà lạm phát cao nhất 40 năm hiện nay thì mọi người bắt đầu tiết kiệm dần để chuyển bị cho điều tồi tệ nhất.
Hiệu ứng son môi
Những tưởng hậu đại dịch sẽ khiến người dân trở lại cuộc sống bình thường, thế nhưng việc cung tiền quá nhiều ra nền kinh tế cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng khiến lạm phát tăng cao lại đang báo hiệu một năm không suôn sẻ.
Theo chuyên gia Cohen, người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục giảm chi tiêu trong năm nay, hạn chế ăn nhà hàng, đến phòng gym hay những khoản chi không thực sự thiết yếu khác.
"Cho đến năm 2025, ngành nhà hàng có thể sẽ không hồi phục trở lại được như thời kỳ trước đại dịch. Mọi người giờ đây chẳng ra ngoài ăn uống, mua sắm mấy bởi giá cả đang lên quá cao", chuyên gia Cohen nhận định.
Tương tự, những sản phẩm không cần thay mới hay nâng cấp liên tục cũng sẽ ế ẩm. Ví dụ nhiều người mua chảo chiên không dầu để nấu nướng trong thời điểm cách ly chống dịch và nay họ chẳng cần mua mới làm gì, hay những mặt hàng như tivi cũng thế.
Tất nhiên, một số tầng lớp khá giả vẫn đủ tiền cho các thú vui nho nhỏ thì lại khác. Họ vẫn sẽ chi tiêu một khoản nhỏ hàng tháng cho các thứ xa xỉ như nước hoa hay mỹ phẩm.
Phó giáo sư Chuck Howard của trường Mays Business School nhận định chính vì thói quen dành một khoản tiền nhỏ chi tiêu cho thú vui của một bộ phần người tiêu dùng tùy vào tình hình tài chính mà các mặt hàng như nước hoa, chocolate... vẫn duy trì được doanh số.
Thậm chí, hãng Bath & Body Works chuyên kinh doanh xà phòng thơm, xịt phòng, nến thơm... cho biết doanh số của họ trong quý I/2022 còn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là dù không phải mặt hàng thiết yếu nhưng sản phẩm của họ lại là thứ đồ "xa xỉ chấp nhận được" trong thời buổi lạm phát hiện nay.
Đồng quan điểm, giáo sư Priya Raghubir của trường NYU Sterm School of Business nhận định đây là "hiệu ứng son môi" (Lipstick Effect) khi những mặt hàng xa xỉ giá vừa phải như nước hoa, nến thơm vẫn được người tiêu dùng mua sắm trong thời buổi lạm phát.
Theo chuyên gia Neil Saunders của Global Data Retail, người tiêu dùng Mỹ mới thoát khỏi cách ly đại dịch và họ đang mơ về những kỳ nghỉ sau 2 năm tù túng, muốn được tụ họp ăn mừng cùng mọi người. Bởi vậy chi tiêu cho du lịch hay những mặt hàng xa xỉ cỡ nhỏ là chấp nhận được.
Tuy nhiên để có tiền cho những thứ trên thì đồng nghĩa họ sẽ phải tiết kiệm những chi phí khác.
"Về cơ bản hiện nay mọi người đều phải làm ra lựa chọn. Nếu họ mua một thứ thì sẽ không đủ tiền cho thứ khác. Sự lựa chọn này sẽ còn tiếp tục và thậm chí nặng nề hơn. Chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu của cuộc lạm phát và nếu giá cả còn ở mức cao trong thời gian dài thì sự chuyển biến sẽ còn tiếp tục. Người tiêu dùng lúc đó sẽ thắt chặt hầu bao hơn nữa", chuyên gia Saunders cảnh báo.
*Nguồn: CNN