Việt Nam đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất trong khu vực, trở thành một điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư từ khắp nơi trên thế giới.
Thương chiến Mỹ -Trung chắc chắn đã góp phần tạo nên điều đó. Kể từ khi Mỹ ngừng hợp tác với Trung Quốc trong một số ngành công nghiệp, lợi nhuận của sản xuất tại Trung Quốc đã giảm đáng kể. Khi mức sống chung ở Trung Quốc tăng lên, các nhà sản xuất tìm kiếm lao động sẵn có ở nơi khác, các điểm đến có chi phí sản xuất thấp hơn, chẳng hạn như Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để chào đón các công ty và đầu tư sắp tới. Một số công ty đã chuyển các chuỗi sản xuất sang Việt Nam từ Trung Quốc: Nokia, Samsung, Olympus, Nike và Adidas,...
Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ Úc trong thời gian gần đây, bên cạnh một số công ty như ngân hàng ANZ, Austal (ngành đóng tàu), Linfox (logistics) và RMIT International là những doanh nghiệp Úc lâu năm ở Việt Nam.
Úc cũng đang tìm cách xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Việt Nam. Cựu cầu thủ bóng bầu dục người Úc, Wes Maas, đã đầu tư vào Việt Nam và thành lập một đơn vị xây dựng vào tháng 7/2019. Tiền lương trung bình ở Việt Nam thấp bằng một phần mười của Úc.
Ông Guy Debelle, Phó thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc, cho biết rất nhiều doanh nghiệp đang chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh ảnh hưởng của thuế quan. Việt Nam đã cấp giấy phép đầu tư cho khoảng 1.720 dự án chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019. Nền kinh tế đã tăng trưởng với tốc độ hơn 7% trong năm 2018, mức cao nhất trong vòng 10 năm. Sang đến năm 2019, bất chấp bối cảnh toàn cầu trì trệ, Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng cao, cả về GDP, đầu tư và xuất khẩu.
Các chính sách thương mại tự do của Việt Nam đã thu hút các nhà công nghiệp từ Úc. Ví dụ, một tập đoàn của Úc, SunRice, đã thành lập đơn vị tại Việt Nam và đang xuất khẩu gạo sang các nước láng giềng. Điều này là do Úc không có các hiệp định thương mại tự do về xuất khẩu gạo với các nước Đông Nam Á này.
Bên cạnh Việt Nam, Úc còn có thể có một sự lựa chọn khác - Ấn Độ. Nhưng một vài lý do sau đây khiến họ không đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ như Việt Nam.
Dù xét trong lĩnh vực nào, Ấn Độ vẫn có lợi thế về số lượng, họ quá đông dân. Tuy nhiên, sản xuất điện thoại di động của Ấn Độ đã giảm xuống vào năm 2019, trong khi sản xuất điện thoại của Việt Nam đã tăng lên đáng kinh ngạc. Hiệu suất làm việc ở Việt Nam được cải thiện không chỉ ở điện thoại di động; mà hầu như là trong ngành sản xuất tất cả các mặt hàng điện tử.
Một yếu tố quan trọng ở Việt Nam đóng vài trò thu hút các ngành công nghiệp là thuế suất ưu đãi. Một vài doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đã có được mức thuế suất thấp bằng 0 trong 5 năm đầu tiên, 5% cho thập kỷ tiếp theo và 10% cho 20 năm tiếp theo. Trong khi đó, thuế suất của Ấn Độ đối với một công ty nước ngoài có thể lên tới 43%.