Theo Business Insider, thị trường khẩu trang toàn cầu có giá trị 4,6 tỷ USD vào năm 2020 dự kiến sẽ đạt mức 21,2 tỷ USD vào cuối năm 2026, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 24,2% trong giai đoạn 2021-2026. Nhưng trong khi các nhà máy đang hoạt động hết công suất, tạo ra sản lượng khẩu trang cao gấp 20 lần bình thường để đáp ứng nhu cầu giữa đại dịch Covid-19, thì việc sản xuất khẩu trang đạt chuẩn quốc tế khó hơn người ta tưởng rất nhiều.
Kể từ đầu tháng 3/2020, đơn hàng khẩu trang vải của Dony - một đơn vị may mặc đã chuyển sang sản xuất khẩu trang trong mùa dịch - tăng đột biến, gấp 4 lần doanh thu mặt hàng may mặc chủ lực. Công ty này vừa hoàn thành đơn hàng trị giá 15 tỷ VND với đối tác Trung Đông và đang chuẩn bị cho khách hàng tiếp theo với số lượng gấp đôi.
Sự bùng nổ doanh số khẩu trang khiến cho anh Phạm Quang Anh, Giám đốc Dony không khỏi bất ngờ. Dù khẩu trang là mặt hàng có giá trị không cao (chưa tới 1 USD/chiếc), nhưng đơn hàng rất lớn và vì sự cấp bách trong mùa dịch, nên các đối tác thanh toán tiền rất nhanh. Chỉ trong 10 - 15 ngày kể từ khi nhận đơn hàng, sản xuất rồi chuyển cho khách là có tiền về, trong khi làm đồng phục phải mất 2 - 3 tháng mới thu được các khoản.
Phía công ty cho biết, việc đầu tư chuyển đổi để sản xuất mặt hàng khẩu trang gần như bằng không, vì họ có thể tận dụng sẵn hạ tầng, trong khi kỹ thuật may khẩu trang vải không quá khó, nhất là với doanh nghiệp nào đã từng xuất khẩu hàng sang Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.
Sản xuất khẩu trang phục vụ nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu từng là giải pháp hiệu quả giúp doanh nghiệp dệt may thoát khó trong bối cảnh đại dịch, song để có thể tiến xa hơn trở thành "cường quốc khẩu trang" hay tăng trưởng tốt với mặt hàng này thì vẫn là một bài toán khó.
Theo ông Đào Tấn Điền – một chuyên gia trong lĩnh vực y tế cộng đồng cho biết, lý do cơ bản khiến khẩu trang của doanh nghiệp Việt không xuất được sang thị trường lớn là vấn đề về kiểm định chất lượng, tức là các chứng chỉ đi kèm, không chỉ là chứng chỉ trong nước mà còn là chứng chỉ quốc tế. Để thử nghiệm được một bộ khẩu trang cần có cả kiến thức về y tế cộng đồng của nhà sản xuất, điều kiện tài chính và bản thân cấu trúc sản phẩm phải đạt.
"Khẩu trang của Việt Nam trước đó vẫn xuất đi được nhiều thị trường, nhưng về cơ bản là vì trong đợt dịch Covid-19, họ quá không thể nhập được số lượng lớn khẩu trang chất lượng cao nên họ chấp nhận nhập khẩu trang với tiêu chuẩn thấp hơn" - ông Điền nói.
"Không phải cứ làm khẩu trang là sống trong mùa dịch đâu", ông Điền nhấn mạnh, "Nhu cầu trong nước hiện tại đã bão hòa, cung đang dư so với cầu. Nhà nhà làm khẩu trang, người người làm khẩu trang. Vì thế để thu được lợi nhuận, họ chỉ có thể định hướng xuất khẩu. Tuy nhiên vì đã sản xuất hàng loạt khẩu trang trong thời kỳ dịch, nhưng lại chưa tập trung vào chất lượng đạt chuẩn cho các thị trường lớn, giờ đây nhiều doanh nghiệp đang "ngắc ngoải" vì sản xuất rất nhiều nhưng các thị trường vẫn còn đang bị ảnh hưởng nặng bởi dịch như Mỹ, châu Âu thì lại không chấp nhận nhập nữa".
Một yếu tố quan trọng khác là nguồn nguyên liệu. Nhà cung cấp tốt là rất quan trọng. Ông Điền cho hay: "Sản xuất khẩu trang y tế quan trọng là màng lọc kháng khuẩn. Nếu doanh nghiệp chọn nguyên vật liệu chất lượng đạt chuẩn quốc tế thì hàng đó sẽ được xuất khẩu. Còn nếu lấy hàng có chất lượng thấp hơn so với chuẩn quốc tế, thì chắc chắn sẽ thất bại khi kiểm định. Có trường hợp test tại nơi sản xuất đã có chất lượng quốc tế, nhưng khi xuất khẩu trang đến nước họ, họ kiểm tra lại thì lại không đạt".
Có thể lô hàng test đạt và chứng nhận có giá trị, nhưng trong quá trình sản xuất không đạt, và test lại tại nước sở tại không đạt thì họ sẵn sàng trả lại. Trên thực tế, những doanh nghiệp dệt may "chạy theo xu hướng" cũng đã kiếm được lợi trong mùa dịch. Tuy nhiên, để có thể đi xa trên con đường xuất khẩu khẩu trang thì con đường vẫn còn rất gian nan.
"Hiện tại, nhu cầu ở thị trường nước ngoài vẫn còn vì diễn biến dịch trên thế giới là tương đối phức tạp. Song khi dịch được kiểm soát thì nhu cầu sẽ có sự suy giảm. Lúc đó, các doanh nghiệp vẫn phải quay về với ngành truyền thống là ngành may mặc" – Giám đốc Dony nói.