Phía EuroCham cho rằng xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu đang không được đối xử công bằng trong việc kiểm định chất lượng.
Cụ thể, trong khi các nhà lắp ráp xe CKD (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện nhập khẩu) có 18 tháng để chuẩn bị thực hiện các yêu cầu của Nghị định 116, các nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc chỉ còn hơn 2 tháng để thực hiện kiểm tra cơ sở sửa chữa nhằm đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận bảo hành sửa chữa mới, sau đó là xin giấy phép nhập khẩu từ Bộ GTVT.
Điều 6.2 của Nghị định 116 quy định xe nhập khẩu nguyên chiếc cần đạt yêu cầu kiểm định về khí thải và độ an toàn không phải chỉ một lần – như thường được áp dụng với các mẫu xe CKD – mà lặp đi lặp lại với từng lô hàng ngay cả khi đó là một mẫu xe giống hệt.
Chi phí kiểm định tăng ít nhất gấp đôi/mẫu xe
Theo EuroCham, kinh nghiệm của các nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc trong năm 2018 chỉ ra rằng việc kiểm định mới liên tục làm tăng chi phí và gây nhiều chậm trễ cho khách hàng tại Việt Nam. Chi phí kiểm định thực tế đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu trên mỗi mẫu xe tăng ít nhất gấp 2 lần.
Theo báo cáo vào tháng 12/2018 của Nhóm Công tác ô tô và xe máy thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, trong khi quá trình kiểm định xe nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN chỉ mất 2 tuần thì đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu lên đến 42 ngày.
Thị trường cũng ghi nhận nếu tổng lượng xe ô tô con nhập khẩu nguyên chiếc trong năm 2018 tăng 69% - phần lớn nhập từ khu vực ASEAN, thì lượng nhập khẩu từ các thương hiệu châu Âu giảm 14% so với năm 2017.
Ở khía cạnh thu thuế, EuroCham nhận định thời gian chậm trễ kéo dài này không mang lại lợi ích bất kỳ cho bên nào vì một chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc từ châu Âu tạo ra tổng giá trị thuế cao gấp 2,7 đến 3 lần so với chiếc xe tương đương nhập khẩu từ ASEAN với thuế suất nhập khẩu 0%.
Tổ chức này cũng cho biết thiết bị kiểm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam đã từng ngừng hoạt động trong nhiều tuần, kể cả vào mùa bán hàng cao điểm, để bảo trì. Như vậy, hoạt động kiểm định không thể được tiến hành trong những khoảng thời gian này.
"Cam kết thành lập một trung tâm kiểm định bổ sung của Cục cho xe dẫn động 4 bánh của Bộ GTVT tại cuộc họp hồi tháng 6/2018 cũng chưa được thực hiện trong năm ngoái. Chi phí tài chính và lưu kho xe đang chờ kiểm định của mỗi lô hàng tiếp tục tăng", EuroCham thông tin.
Mặt khác, việc kiểm định lặp đi lặp lại các mẫu xe giống hệt nhau tạo ra chi phí và những trở ngại không cần thiết, trái với Điều III của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994 về đối xử công bằng giữa các quốc gia. Hơn nữa, các cơ quan chức năng yêu cầu xe nhập khẩu nguyên chiếc phải được kiểm tra về khí thải và độ an toàn cho mỗi lô hàng trong khi xe CKD được sản xuất tại Việt Nam chỉ cần phải kiểm tra 36 tháng một lần là một cách đối xử phân biệt giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước theo Điều 2 của Hiệp định WTO.
Hi vọng kiểm định xe nhập khẩu nguyên chiếc chỉ mất 2 tuần
Với những lý do này, EuroCham kiến nghị Bộ GTVT sớm thực hiện nhiệm vụ sửa đổi quy trình kiểm định hiện tại đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Theo các doanh nghiệp châu Âu, cơ quan chức năng nên cho phép thực hiện quy trình kiểm định xe nhập khẩu nguyên chiếc sau khi thông quan và có thể kiểm tra một xe cho tất cả các mẫu xe giống nhau trong các lô hàng khác nhau thay vì yêu cầu kiểm định theo từng lô như hiện tại.
"Xe chỉ thử nghiệm khi có kiểu loại mới hoặc sau một khoảng thời gian nhất định", EuroCham đề xuất.
Mặt khác, tổ chức này cũng đề nghị Cục đăng kiểm sắp xếp để thời gian kiểm định cho tất cả xe nhập khẩu nguyên chiếc là hai tuần. Đồng thời, EuroCham cũng đề xuất cơ quan chức năng ban hành các công cụ quản lý rủi ro minh bạch.
"Chúng tôi được biết rằng cơ quan Hải quan đang nghiên cứu một cơ chế, có thể được Cục Đăng kiểm áp dụng, để phân loại doanh nghiệp thành các công ty có mức độ tuân thủ cao, trung bình, thấp và không tuân thủ. Dựa trên điều này, cơ quan Hải quan sẽ áp dụng chính sách ưu đãi và biện pháp quản lý tương ứng", EuroCham cho biết.