Những ai từng đi máy bay chắc hẳn đều đã quá quen thuộc với loạt thông báo được các tiếp viên hàng không liên tục nhắc lại khi chuyến bay cất và hạ cánh.
Trải nghiệm đi máy bay nghe thì có vẻ thú vị nhưng kỳ thực lại không dễ dàng chút nào. Các tín đồ thường xuyên đi du lịch chắc hẳn đã quá ngán ngẩm trước cảnh xếp hàng dài chờ check-in, vượt qua hàng loạt thủ tục rắc rối và tuân thủ loạt quy định khắt khe khi ngồi trên máy bay.
Thường khi máy bay cất cánh và hạ cánh, chúng ta luôn được các tiếp viên hàng không thông báo rằng ánh sáng trong khoang hành khách sẽ chuẩn bị được giảm để đảm bảo an toàn cho chuyến bay. Tuy nhiên chắc có lẽ không phải ai trong chúng ta cũng biết tại sao giảm ánh sáng lại an toàn hơn. Có phải do sợ chập điện không?
Đã bao giờ bạn thắc mắc tại sao máy bay luôn phải giảm ánh sáng và hành khách phải giữ rèm cửa sổ mở khi máy bay cất - hạ cánh hay không? |
Cất cánh và hạ cánh luôn là những khoảnh khắc nguy hiểm nhất của toàn bộ chuyến bay. Máy bay hiếm khi gặp sự cố trên không, và các phi công có thể dễ dàng điều khiển máy bay ở độ cao lớn, hoặc thậm chí trong vùng hỗn loạn. Tuy nhiên, hầu hết các vụ tai nạn thực sự chỉ xảy ra khi máy bay chuẩn bị rời khỏi sân bay hoặc đang chạm xuống đường băng. Vì vậy, tất cả các hướng dẫn mà chúng ta phải làm theo trong thời điểm này đều có lý do của nó cả.
Hầu hết các vụ tai nạn hàng không đều xảy ra trong quá trình máy bay cất và hạ cánh. |
Trong trường hợp khẩn cấp, khi cabin đầy khói và điện bị cắt, mắt bạn sẽ cần thời gian để có thể nhìn được trong bóng tối bên ngoài. Lúc này, mọi hành khách cần được đảm bảo sẽ nhìn thấy đèn hiệu báo có nguy hiểm cũng như lối dẫn đường để ra cửa thoát hiểm. Nếu không giảm ánh sáng trên máy bay cho cân bằng với ánh sáng bên ngoài, hành khách có thể sẽ mất một khoảng thời gian để mắt điều tiết với sự chênh lệch ánh sáng và dẫn tới việc không làm theo được những hướng dẫn trong lúc "dầu sôi lửa bỏng" này.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng nguồn năng lượng trên máy bay là một máy phát điện hoạt động hết công suất trong 2 thời điểm quan trọng của chuyến bay là cất và hạ cánh. Vì vậy, đèn trong khoang hành khách được tắt để không có gì cản trở sự hoạt động của máy phát điện khi nó đang căng thẳng nhất.
Việt tắt đèn trong khoang nhằm giúp hành khách dễ dàng định hướng hơn trong bóng tối khi máy bay gặp sự cố khẩn cấp. |
Bạn cũng có thể thắc mắc tại sao không đóng luôn cửa sổ lại thì mắt chúng ta đỡ phải điều tiết? Tuy nhiên đây cũng là quy định mà phi hành đoàn thường yêu cầu khách tuân thủ theo khi cất và hạ cánh. Lý do để mở cửa sổ ra là vì khi có hỏa hoạn hay sự cố, những người bên ngoài có thể nhanh chóng xác định rõ đâu là địa điểm có trục trặc để khắc phục.
Việc mở rèm cửa sổ lúc máy bay cất - hạ cánh cũng nhằm giúp dễ dàng định vị sự cố hơn cả từ bên ngoài lẫn bên trong. |
Bên cạnh quy định mở rèm cửa sổ và giảm ánh sáng trong cabin, tiếp viên hàng không còn thường yêu cầu khách giữ thẳng lưng ghế, thắt chặt dây an toàn và gấp lại bàn ăn trước mặt. Điều này đơn giản nhằm giúp hành khách an toàn hơn khi xảy ra sự cố rung lắc lúc cất – hạ cánh mà thôi.
Cuối cùng chính là quy định tắt tất cả các thiết bị điện tử và không sử dụng tai nghe trong quá trình máy bay cất và hạ cánh. Hầu hết các nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng việc bật các thiết bị điện tử không thực sự ảnh hưởng đến điều hướng của máy bay. Tuy vậy, một số hãng hàng không vẫn giữ quy định này chủ yếu là theo thói quen.
Cuối cùng, việc giữ thẳng lưng ghế, thắt dây an toàn, gập bàn ăn trước mặt lại và tắt tất cả các thiết bị điện tử cũng là quy định bắt buộc trong quá trình máy bay cất cánh, hạ cánh. |
(Theo Trí thức trẻ - Tổ quốc)