Liên quan trực tiếp đến "siêu" dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, mới đây UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) mới có năng lực thực hiện hơn nhằm đảm bảo tính khả thi cho dự án. Như vậy, sau 26 năm quy hoạch treo với nhiều lần thay đổi NĐT, dự án này được coi là phải quay lại vạch xuất phát.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, tiêu chí chọn NĐT phải có nội dung ký quỹ với số tiền đảm bảo đủ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có bảo lãnh hợp pháp của các tổ chức tín dụng, nhằm chọn được NĐT thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm. Sau đó, trình Chủ tịch UBND thành phố để xin ý kiến của Thường trực UBND thành phố, trước khi báo cáo Thường trực Thành ủy…
Dù trước đó, vào khoảng giữa năm 2017, UBND thành phố đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là NĐT thực hiện dự án Bình Quới - Thanh Đa. Mặc dù đối tác nước ngoài trong liên danh với Bitexco được phê duyệt thực hiện dự án năm 2015 là Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) không tiếp tục tham gia đầu tư dự án.
Hình ảnh đối lập giữa khu dự án Bình Quới - Thanh Đa với khu vực quận 2.
Trước động thái mới nhất của lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh như kể trên, câu hỏi đặt ra là phải chăng Bitexco không có đủ năng lực tài chính lẫn năng lực thi công và nhiều dự án tai tiếng ở nhiều tỉnh thành nên đã không được cấp trên đồng ý tiếp tục là NĐT thực hiện dự án như kiến nghị của UBND TP Hồ Chí Minh?
Dù vẫn biết Bitexco đã tạo dấu ấn với công trình đáng chú ý là tòa nhà 68 tầng Bitexco Financial Tower ở quận 1, TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Bitexco cũng có nhiều dự án khác như The Manor TP Hồ Chí Minh, The Manor Hà Nội, The Manor Lào Cai, The Manor Huế, khách sạn JW Marriott Hanoi, Ritz CarltonSài Gòn, The Manor Central Park ở Hà Nội… Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến nhận định thì khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa là một dự án quá lớn so với tầm vóc của Bitexco. Xét về quy mô, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa rộng tới gần 427ha. Điều kiện địa chất ở đây rất phức tạp. Do đó, dự án này cần một dòng tiền khủng để thực hiện. Một mình Bitexco liệu đã đủ tầm để triển khai dự án này?
Ngoài ra, Bitexco đã, đang có nhiều dự án bị chậm tiến độ và không ít lùm xùm ở nhiều tỉnh thành. Có thể kể, như ở TP Hồ Chí Minh, Bitexco cũng có một dự án khác là khu đô thị Nguyễn Cư Trinh (thường được gọi là khu Mã Lạng) đã "treo" hơn 10 năm qua, kể từ khi công ty này được giao dự án này. Khu Mã Lạng được xem là khu đất vàng bởi nó bao quanh bởi bốn tuyến đường gồm Nguyễn Trãi, Trần Đình Xu, Nguyễn Cư Trinh và Cống Quỳnh ở quận 1. Dự án này phải giải tỏa hoàn toàn 1.424 căn nhà và khoảng 10.000 người. Tuy vậy, hơn 10 năm qua, người dân ở khu vực này phải sống trong thấp thỏm vì không biết đến bao giờ dự án mới triển khai.
Trong khi tại Hà Nội, dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm Công viên Chu Văn An (quận Hoàng Mai, Hà Nội) do Bitexco làm chủ đầu tư cũng đã bị Thanh tra Chính phủ (gần cuối tháng 7-2017) nêu ra hàng loạt sai phạm. Trong đó, việc thẩm định, phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác, đã làm tăng số tiền hơn 12 tỷ đồng. Đồng thời, công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công cũng chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức chưa đúng, làm sai tăng số tiền gần 16 tỷ đồng…
Còn tại Huế, Bitexco cũng dính đến hàng loạt khu đất vàng mà công ty này được "ưu ái" bán rẻ không qua đấu giá. Lúc đầu nhiều người kỳ vọng rằng họ sẽ biến những nơi này trở nên đẹp hơn, sang trọng và thu hút nhiều du khách hơn cho Huế, nhưng chỉ ít lâu sau khi mua xong họ đã bán ngay cho doanh nghiệp nước ngoài...
Khởi nghiệp từ một công ty dệt nhỏ ở tỉnh Thái Bình vào năm 1985, Bitexco bắt đầu đa dạng hóa ngành nghề từ năm 1997 bằng việc mở rộng, đầu tư sản xuất nước khoáng. Hiện tại, Bitexco có 26 công ty con và công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực như: bất động sản, khách sạn, bệnh viện, trung tâm thương mại, thủy điện, đường cao tốc, khoáng sản, dầu khí… Quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, nhưng để làm một dự án rộng hàng trăm ha như Bình Quới - Thanh Đa dường như là điều quá tầm với Bitexco?
Dù trước đó, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế -xã hội 6 tháng đầu năm 2017, trả lời câu hỏi về năng lực của Bitexco, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh thông tin, dự án này đã có báo cáo Thủ tướng để lựa chọn NĐT. Quan điểm của thành phố là để cho NĐT cũ (tức Bitexco) tiếp tục triển khai thực hiện dự án vì nếu làm lại thì mất ít nhất 5 năm nữa mới có NĐT mới và phải làm lại thủ tục từ đầu".
Mới đây nhất, vào ngày 11-7-2018, trong phiên thảo luận về "Hiệu quả công tác quản lý và sử dụng đất" tại kỳ họp HĐND TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sau khi công ty nước ngoài rút lui khỏi dự án Bình Quới - Thanh Đa, chỉ còn Bitexco và công ty này đã trình bày ý muốn được tiếp tục thực hiện dự án. "Chúng tôi đã mời NĐT (Bitexco) đến làm việc, yêu cầu họ cam kết triển khai nếu không thành phố nhất định sẽ thu hồi dự án. Cơ quan chức năng cũng đang thẩm định lại năng lực chủ đầu tư một cách chặt chẽ… Tôi cam kết UBND thành phố sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm dự án này, không để kéo dài nữa", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Có thể nói, qua những động thái từ trước đến nay của doanh nghiệp cũng như lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và dù bất cứ lý do gì thì việc Bitexco cố "ôm" và được đề xuất "ôm" dự án Bình Quới - Thanh Đa, nhưng hầu như có rất ít hành động cụ thể để triển khai hiệu quả dự án này, khiến cho tình trạng kéo dài hàng chục năm qua và biết bao gia đình khổ sở vì quy hoạch "treo" này?