Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s (S&P) vừa nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức "BB-" lên mức "BB" với triển vọng ổn định. Đồng thời, S&P cũng khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức "B".
"S&P cơ bản đánh giá dựa vào 3 nhân tố tích cực chính để nâng hạng", TS. Cấn Văn Lực nói. Thứ nhất là tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định. Thứ hai là chính sách tiền tệ tài khoá đã tốt hơn trước. Và thứ ba là môi trường kinh doanh đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
"Một lý do quan trọng khác là họ cho rằng nợ nước ngoài, nhất là nợ Chính phủ Việt Nam đã cải thiện", ông Lực nói thêm.
Nhờ vào việc xếp hạng tín nhiệm được nâng lên, Việt Nam sẽ thu về một số hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế.
Theo ông Cấn Văn Lực, uy tín của nền kinh tế gần 100 triệu dân sẽ được tăng thêm, nhờ đó trở thành động lực cho thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Việc tăng hạng tín nhiệm cũng hỗ trợ cho Việt Nam giảm đi chi phí huy động vốn, vay vốn từ nước ngoài cho cả Chính phủ lẫn doanh nghiệp.
"Hiện mức phí này chưa được tính toán cụ thể nhưng thông thường, ứng với mỗi loại xếp hạng của các tổ chức quốc tế, nó sẽ tương ứng với một mức lãi suất huy động, chủ yếu bằng đồng USD. Tất nhiên khi Việt Nam chỉ nhích lên một chút, mức giảm sẽ không nhiều lắm nhưng rõ ràng vẫn rất tích cực", chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nói.
Mặt khác, trong báo cáo, S&P nhận định VNĐ được ổn định nhờ vào lạm phát tương đối thấp, cán cân vãng lai được cải thiện. Điều này theo ông Lực sẽ là nền tảng giúp Việt Nam tiếp tục ổn định tỷ giá trong thời gian tới.
"Nâng hạng tín nhiệm quốc gia là khó, giữ được nó càng khó hơn", vị chuyên gia này nhìn nhận. Dù vậy, ông cho rằng Việt Nam vẫn hoàn toàn có cơ sở để giữ và có dư địa để tiếp tục nâng cao vị trí.
"Chúng ta đang trên đà phát triển, cải cách tương đối tốt. Trong vài năm tới, dù có thách thức đan xen, nhưng cơ hội vẫn nhiều hơn", ông nhận xét.
Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, dù được nâng hạng nhưng vẫn đang ở nhóm thấp của quốc tế. Nhóm này hàm nghĩa đầu tư được nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do vậy, cần liên tục cải thiện những tồn đọng.
Ví dụ, Việt Nam cần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu kể cả ngân sách nhà nước cũng như khối tổ chức tín dụng. "Đặc biệt là hệ số an toàn vốn của ngân hàng thương mại cần sớm được tăng cường", TS. Cấn Văn Lực nói.
Bên cạnh đó, ông cũng lưy ý về việc cần chú trọng khả năng chống chịu của nền kinh tế với các cú sốc ở bên ngoài.
"Tức là chúng ta cần tăng cường tiềm lực và nội lực, như là đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân sách để chính sách tài khoá bền vững hơn. Ngoài ra cần tăng dự trữ ngoại hối để tạo bước đệm với các cú sốc ở bên ngoài", TS. Cấn Văn Lực nói.
Trước đó, tháng 8/2018, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam từ mức "B1" lên "Ba3" với triển vọng thay đổi từ "ổn định" lên "tích cực". Fitch Ratings cũng thăng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ mức "BB-" lên mức "BB" với triển vọng "ổn định" tháng 5/2018.