Ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, chi phí sản xuất của Thái Lan tương đối cao hơn so với các đối thủ như Việt Nam. Cụ thể, ngoại hối biến động và hạn hán lan rộng khiến Thái Lan có nguy cơ rơi xuống vị trí thứ ba trong năm nay. Việt Nam theo đó sẽ vươn lên vị trí thứ hai.
Vị Chủ tịch này nói rằng Thái Lan đã sản xuất và bán những giống gạo này trong suốt 30 năm qua, mà không phát triển các giống mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Năm 2020, hiệp hội đặt mục tiêu xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,2 tỷ USD. Đây là mục tiêu thấp nhất trong 7 năm qua kể từ năm 2013 khi chỉ Thái Lan xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo.
Trong năm 2019, Thái Lan đã xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo, thu về 131 tỷ baht, giảm 32% về khối lượng và 25% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan là 4 Bénin (1,07 triệu tấn), Nam Phi (725.461 tấn), Mỹ (559.957 tấn), Trung Quốc (471.339 tấn).
Ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của hiệp hội, cho biết các yếu tố rủi ro chính đối với triển vọng xuất khẩu gạo của Thái Lan bao gồm đồng baht mạnh, hạn hán lan rộng, trữ lượng lớn của Trung Quốc và việc Việt Nam phát triển các giống lúa mới, đặc biệt là gạo thơm và gạo trắng.
Hơn nữa, ông cho biết Việt Nam đã thành công trong việc xuất khẩu gạo với giá rẻ hơn so với Thái Lan và khai thác nhiều hơn vào các thị trường gạo quan trọng như Trung Quốc, Hồng Kông, Philippines và Malaysia.
Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia hiệp định EVFTA, CPTPP – giúp mở rộng thị trường – cũng đe doạ đến vị thế xuất khẩu gạo của Thái Lan, theo ông Chookiat Ophaswongse.