Giới trẻ Mỹ làm gì khi Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ cấm ứng dụng yêu thích của họ hoạt động? Họ nhảy. Giới trẻ Mỹ làm gì khi rộ tin Microsoft có thể sẽ cứu TikTok? Họ thậm chí còn quay nhiều video hơn.
Sau tuyên bố của Tổng thống Trump rằng ông dự định sẽ cấm TikTok hoạt động tại Mỹ, phóng viên của WSJ cũng làm những điều mà bất kỳ người hâm mộ nào của TikTok làm, đó là đăng nhập vào ứng dụng và "lạc lối" trong những đoạn video ngắn với số lượng vô tận. Thậm chí, trên ứng dụng này còn có thử thách nhảy với hashtag #savetiktok (cứu lấy tiktok). Trong những đoạn video đó, đã có rất nhiều người khóc. Hơn nữa, họ còn kêu gọi chữ ký ủng hộ và đi kèm dòng chữ "Hãy theo dõi tôi ở [tên tài khoản]!"
Cuối tuần vừa qua, trong khi các quan chức Nhà Trắng, các giám đốc điều hành công ty mẹ từ Trung Quốc của TikTok là ByteDance và Microsoft "tranh giành" để đưa ra một thỏa thuận nhằm duy trì hoạt động của ứng dụng này tại Mỹ, các "TikToker" (người dùng TikTok) đã sử dụng ứng dụng này như thể ngày mai nó sẽ "bốc hơi". Họ thảo luận, nói đùa về tương lai không chắc chắn của nền tảng này. Một số ý kiến còn đưa ra lời khuyên về việc sử dụng VPN (mạng riêng ảo) để có thể truy cập ứng dụng.
Rõ ràng rằng, tất cả những yếu tố trên diễn ra là bởi TikTok đã trở thành "trái bóng bàn" địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc.
Hope Schwing – người dùng TikTok có 8 triệu lượt theo dõi, chia sẻ: "Tất cả mọi người đang chạy vòng quanh một cách hỗn loạn. TikTok đã trở thành một phần rất lớn trong cuộc sống của tôi. Đó là một nơi rất an toàn và tuyệt vời để thể hiện bản thân." Khi được hỏi về việc liệu những ứng dụng khác có thể thay thế không, cả Hope và những người dùng có lượt theo dõi lớn đều trả lời rằng: "Chúng không phải TikTok!"
Ứng dụng có sức lan tỏa cao này thực sự không chỉ đến từ những bước nhảy hay video hát nhép, nó thu hút người dùng bởi rất nhiều yếu tố. Khi tổng hợp lại tất cả những yếu tố đó, bạn sẽ nhận thấy tại sao giới chức Mỹ lại lo ngại, tại sao một công ty như Microsoft lại muốn thâu tóm nó và những công ty khác như Facebook lại muốn bắt chước những tính năng mới.
Theo nguồn tin thân cận, một tính năng mới giống như TikTok cho phép người dùng tạo và chỉnh sửa video ngắn được lồng ghép nhạc, được gọi là Instagram Reels, sẽ ra mắt vào tuần này hoặc tuần tới.
WSJ cho hay, ngay cả những người khó tính nhất cũng có thể tìm được nội dung thú vị và khiến họ cười khi "lướt" TikTok. Thực ra, điều tương tự cũng có thể thấy ở YouTube hoặc Instagram, nhưng thuật toán của TikTok lại hiệu quả hơn nhiều trong việc nhanh chóng tìm ra loại nhạc, nội dung phù hợp với bạn. Trang "For You" trên TikTok hiển thị những video thực sự "dành cho bạn", thường kéo dài 15 đến 60 giây và là những video được lồng nhạc với số lượng dường như vô tận, bạn chỉ cần vuốt lên liên tục. TikTok luôn học hỏi và phân tích hành vi của bạn, hiển thị những video bạn thích… mãi mãi.
Những gì bạn nhận được khi sử dụng ứng dụng này là thực sự khó để từ bỏ nó. Và ngay cả khi một số vấn đề về chính trị, xã hội bắt đầu len lỏi vào đó, thì nội dung này lại được thể hiện theo một cách sáng sủa và dễ tiếp nhận hơn, được tạo ra bởi những người sáng tạo trẻ tuổi.
Theo đó, bạn có thể nhận thấy rằng tại sao TikTok lại bị coi như là mối lo ngại về vấn đề bảo mật với nước Mỹ. Liệu những nội dung tuyên truyền nào sẽ được lan truyền trên hệ thống này? Ứng dụng này có thể thu thập được những gì từ xu hướng, sở thích và thói quen của người dùng? Tuy nhiên, TikTok đã nhiều lần từ chối chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc. Hồi cuối tháng 7, CEO Kevin Mayer cho biết công ty sẽ tiết lộ thêm về cách thức hoạt động của các thuật toán.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy rằng một ứng dụng có lượng khán giả lớn và người dùng dành nhiều thời gian cho nó lại có thể hấp dẫn đối với những "gã khổng lồ" công nghệ như Microsoft hay Facebook. Tuy nhiên, khi Facebook mở rộng quyền kiểm soát đối với lĩnh vực truyền thông xã hội và ngày càng bị giám sát gắt gao, Mark Zuckerberg và ban lãnh đạo đã lựa chọn việc bắt chước các tính năng của TikTok với Instagram Reels.
Michael Le – người dùng TikTok với hơn 35 triệu lượt theo dõi cho biết: "Không quan trọng nếu bạn có 30.000 người theo dõi trên TikTok hay không. Chỉ cần nội dung đó hay thì nó vẫn cực kỳ ‘hút người xem’."
Khi có thông tin về lệnh cấm của chính phủ Mỹ, Le và những "người nổi tiếng" khác trên TikTok đã thử tìm đến một số ứng dụng mới. Tuy nhiên, họ cho biết điều quan trọng mà những ứng dụng mới này không có đó là các hợp đồng tài trợ và thương hiệu lớn. Le cùng những người khác lo ngại rằng lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của họ và việc kinh doanh sẽ không thể chuyển sang các nền tảng khác.
Trong khi đó, Carrie Berk – 17 tuổi, có nửa triệu người theo dõi trên TikTok, đã chia sẻ về số tiền cô bé kiếm được trên ứng dụng này. Berk không tiết lộ chính xác con số là bao nhiêu, nhưng cô bé cho biết: "Cháu kiếm được nhiều hơn việc trông trẻ."
Theo đó, bạn có thể thấy khả năng lan truyền của TikTok đối với nhiều lứa tuổi – yếu tố được tìm kiếm nhiều nhất trong ngành công nghệ, lý giải tại sao ứng dụng này lại rơi vào cuộc tranh luận về địa chính trị và tại sao công ty phần mềm lớn nhất thế giới và các "TikToker" lại muốn cứu ứng dụng này.
Tham khảo Wall Street Journal