Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết (trái) và Phó Chủ tịch Airbus phụ trách thương mại Eric Schulz (phải) đã ký kết hợp đồng thoả thuận mua 24 máy bay A321NEO cho Bamboo Airways (Ảnh: I.T)
Ngày 26.3.2018 theo giờ địa phương tại Pháp, Hợp đồng thoả thuận chính thức về việc mua 24 máy bay A321NEO giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Airbus (châu Âu) đã được chính thức ký kết, dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy.
Tăng vốn điều lệ, mở rộng lĩnh vực hoạt động
Từ một công ty nhỏ thành lập năm 2008 với số vốn chưa đến 20 tỷ đồng với tên Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune. Chỉ sau một thời gian ngắn, qua 4 lần đổi tên và quá trình gần 10 năm hoạt động, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã trở thành một doanh nghiệp lớn với tổng tài sản lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, theo Bản cáo bạch của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đăng tải năm 2011 và những thông tin giới thiệu trên website của tập đoàn này, tiền thân của FLC là Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập năm 2008 với số vốn ban đầu là 18 tỷ đồng do 2 thành viên góp vốn.
Ngày 9.12.2009, Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được chuyển đổi thành công ty cổ phần mang tên Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp CRV. Tới ngày 20.1.2010 đổi tên thành Công ty Cổ phần FLC.
Ngày 22.11.2010, theo Nghị quyết ĐHĐCĐ số 57/NQ/ĐHĐCĐ-2010, Công ty Cổ phần FLC được đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC sự hội tụ của các công ty con và công ty liên kết.
Ngày 1.4.2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản số 893/UBCK-QLPH chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC trở thành công ty đại chúng. Và sau sự kiện chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào ngày 5.10.2011, FLC đã có màn tăng vốn ảo diệu, lột xác trở thành công ty lớn với vốn điều lệ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Quá trình tăng vốn điều lệ của tập đoàn FLC
Về vốn điều lệ, ban đầu, vốn điều lệ của FLC là 18 tỷ đồng, sau đó được nâng lên 25 tỷ đồng và tăng vọt lên 100 tỷ đồng, lên 170 tỷ đồng vào năm 2010. Đến năm 2016 lên 6.380 tỷ đồng. Như vậy, kể từ năm 2010 đến nay, FLC đã tăng vốn gấp 273 lần.
Cùng với tăng tổng tài sản và vốn điều lệ, hoạt động của FLC cũng từng bước mở rộng. Với hoạt động ban đầu là sàn giao dịch bất động sản, tư vấn đầu tư, và tư vấn tài chính doanh nghiệp, bước đột phá đầu tiên của FLC trên thị trường bất động sản là vào năm 2011, khi thị trường bất động sản Hà Nội đang trầm lắng, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này lâm vào tình thế “tiến thoái lương nan” thì FLC vẫn thực hiện đúng cam kết với khách hàng, bảo đảm đúng tiến độ dự án FLC Landmark Tower.
Thời điểm này cũng là thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản, nhưng doanh thu của FLC trong 2012 vẫn ở mức 1.531 tỉ đồng, lợi nhuận tăng tới 88% so với 2011.
Sau khi hoàn thành dự án này, FLC bắt đầu mở rộng nhiều mảng kinh doanh khác, như: dịch vụ, du lịch, truyền thông, dịch vụ golf...
Tới năm 2014, FLC liên tục tạo sự chú ý trên thị trường bất động sản phía Bắc khi công bố sự kiện mua lại hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội, đồng thời tuyên bố sẽ triển khai các dự án ở Quảng Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc… Chính vì thế, không phải ngẫu nhiên mà cái tên FLC được nhắc đến trong gần như tất cả các thống kê về M&A (mua bán, sáp nhập) bất động sản năm 2014 của cả nước. Đây là một trong những yếu tố giúp FLC trở thành doanh nghiệp lớn hoạt động trong ngành bất động sản.
Ngoài ra, năm 2014, FLC cũng đã ghi dấu ấn mạnh mẽ tại thị trường chứng khoán trong nước, bên cạnh một số cổ phiếu gần như không có giao dịch thì cổ phiếu của FLC lại “lội ngược dòng” với khối lượng giao dịch khủng trong mỗi phiên...
Có thể nói, chỉ trong vòng vài năm, từ một doanh nghiệp nhỏ, tính đến cuối năm 2017, FLC đã trở thành một doanh nghiệp lớn có vốn điều lệ 6.308 tỷ đồng, tổng tài sản lên 19.098 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 791 tỷ đồng.
Tới thời điểm hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết vẫn chưa có tên trong danh sách tỷ phú USD do Forbes công bố
Mua 24 máy bay của Airbus để hiện thực hoá ước mơ BamBoo Airways
Ngày 26.3, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Pháp François de Rugy, lễ ký hợp đồng thỏa thuận chính thức về việc mua 24 máy bay A321NEO giữa FLC và Airbus vừa diễn ra tại Paris, Pháp.
Ông Trịnh Văn Quyết hi vọng dòng máy bay A321NEO sẽ thúc đẩy sự phát triển của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam (Ảnh: Airbus)
"Sau khi xem xét kỹ lưỡng các lựa chọn, Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đã quyết định chọn A321NEO để phục vụ hoạt động của hãng hàng không. Dòng máy bay này sẽ cho phép chúng tôi cung cấp các dịch vụ một cách hiệu quả, phù hợp và tiện nghi nhất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường nghỉ dưỡng tại Việt Nam", ông Trịnh Văn Quyết cho biết.
Về phần mình, Phó chủ tịch Airbus phụ trách thương mại bày tỏ sự tự hào khi mẫu A321NEO được FLC tin tưởng lựa chọn.
"Quyết định của FLC một lần nữa cho thấy vị thế của dòng A321 trong phân khúc thị trường bay tầm trung nhờ hiệu năng được tối ưu hóa và khả năng tiết kiệm nhiên liệu lý tưởng. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á, và chúng tôi vinh dự được đóng góp một phần trong công cuộc phát triển hệ thống vận tải đường không tại quốc gia này", ông Eric Schulz nhấn mạnh.
Số tiền đặt cọc và thanh toán bước đầu đối với hợp đồng mua 24 máy bay A321NEO hiện vẫn chưa được Airbus cũng như FLC công bố (Ảnh: Airbus)
Ngoài ra, phía Airbus cho biết Tập đoàn FLC đã hoàn thiện việc đặt cọc và thanh toán bước đầu đối với hợp đồng mua 24 máy bay A321NEO, đặt tiền đề cho việc bàn giao và tiếp nhận máy bay phục vụ hoạt động của hãng hàng không Bamboo Airways cho đến năm 2025. Tuy nhiên, số tiền đặt cọc và thanh toán bước đầu đối với hợp đồng mua 24 máy bay A321NEO hiện vẫn chưa được Airbus cũng như FLC công bố.
Còn tại Việt Nam, hiện Bamboo Airways vẫn đang chờ hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được Chính phủ thông qua. Sau đó, công ty dự kiến sẽ tiếp tục đặt mua thêm 26 máy bay thân rộng Airbus A321 LR để mở rộng đội bay, nâng tổng số phi cơ lên 50 chiếc.