Khi virus chết người này lan rộng ra bên ngoài Trung Quốc, làm tăng nguy cơ đại dịch toàn cầu, các giám đốc tài chính và ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới nói rằng họ thấy những rủi ro bất lợi vẫn tồn tại.
Điều đó dẫn đến một báo động mới trên các thị trường hàng hóa vốn đã bắt đầu phục hồi từ mức thấp hồi đầu tháng khi tình trạng "đóng cửa" của Trung Quốc khiến các chuỗi cung ứng rơi vào hỗn loạn. Với việc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo rằng họ cũng đang xem xét nhiều kịch bản "nghiêm trọng" hơn nữa, các nhà đầu tư lo ngại rằng rủi ro đối với nhu cầu nguyên liệu đang trở nên tồi tệ hơn.
Dầu dẫn đầu nhóm hàng hóa bị giảm giá vào hôm thứ Hai khi mất hơn 3% tại London và New York. Cho đến thứ Sáu tuần trước, dầu thô Brent đã đạt được mức tăng dài nhất trong hơn một năm nhờ vào sự kích thích tài khóa của Trung Quốc và các mối đe dọa mới đối với nguồn cung từ châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Các mặt hàng công nghiệp cũng bị ảnh hưởng nặng nề, khi đồng mất giá khoảng 1% trên sàn giao dịch kim loại Luân Đôn và cao su rớt hơn 2% tại Singapore. Hàng hóa nông nghiệp cũng không tránh được thiệt hại, trong đó lúa mì Mỹ là một trong những mặt hàng bị rớt giá nhiều nhất.
Các hợp đồng ngô tương lai cho tháng Năm ở Chicago đã giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng qua, và đậu nành cũng giảm. Tuần trước, các quan chức nông nghiệp Mỹ thừa nhận rằng dịch virus corona đang khiến cho việc mua hàng hóa nông sản của Mỹ theo cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 từ phía Trung Quốc bị trì hoãn, và Tổng thống Donald Trump đã nêu ra khả năng viện trợ cho nông dân nhiều hơn.
Các sụt giảm trên phản ánh một sự bán tháo trên thị trường rộng lớn hơn khi sự lây lan của virus corona bên ngoài Trung Quốc khiến nhà đầu tư sợ hãi. Chứng khoán châu Á và châu Âu sụt giảm cùng với các hợp đồng tương lai của Mỹ, trong khi đồng đô la Úc bị giảm giá trị cùng với đồng nhân dân tệ ở nước ngoài.
Hàn Quốc, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau Trung Quốc, trước đó đã nâng cảnh báo về căn bệnh truyền nhiễm này lên mức cao nhất sau khi số ca nhiễm tăng gấp 20 lần. Tình hình ở châu Âu cũng leo thang, với việc Áo phải dừng một chuyến tàu đến từ Ý vì lo ngại có hai hành khách bị nhiễm bệnh trên tàu. Ý – quốc gia hiện có nhiều ca nhiễm nhất ở lục địa này - đã hủy bỏ lễ hội Venice Carnival và các sự kiện khác.
Khi nhà đầu tư chạy trốn các tài sản rủi ro hơn, nghĩa là họ đang tìm kiếm sự an toàn. Điều này đẩy giá vàng lên mức cao mới trong 7 năm qua, và trái phiếu cũng tăng lên. Giá vàng thỏi đã "cất cánh" trong năm nay, khi tăng khoảng 10% do những lo ngại về virus ngày càng lớn và suy đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ nếu tác động toàn cầu trở nên tệ hơn.
Cổ phiếu của một số công ty hàng hóa lớn nhất cũng bị ảnh hưởng bởi những biến động mạnh về giá. Chỉ số dùng để đo các nhà sản xuất vàng Nam Phi đã tăng tới 8.4%, lên mức cao nhất kể từ năm 2002, trong đó tập đoàn Harmony Gold Mining đạt mức tăng mạnh nhất. Tuy nhiên, BHP Group, tập đoàn khai thác lớn nhất thế giới, đã giảm 5,4% tại London, trong khi BP Plc mất 3,5%.
Sự tàn phá của virus ở Trung Quốc là một cảnh báo nghiêm trọng cho các nhà đầu tư khi nó lan ra bên ngoài châu Á. Nhu cầu dầu ở quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới này đã "sụp đổ" khi Bắc Kinh hạn chế việc đi lại và đóng cửa các nhà máy, khiến các nhà máy lọc dầu phải đóng cửa, những kho dự trữ bị tồn đọng còn các chủ hàng thì hối hả tìm cách chuyển hàng hóa đi nơi khác.
Khách hàng mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng đang cố gắng thoát ra khỏi hợp đồng của họ, với nhu cầu tồi tệ đến mức những con tàu trống rỗng nằm xếp lớp ở Qatar, quốc gia bán mặt hàng này nhiều nhất thế giới. Các nhà máy luyện đồng đã buộc phải cắt giảm sản lượng, trong khi các container chứa đầy thịt đông lạnh bị chất đống tại các cảng Trung Quốc vì thiếu tài xế xe tải.
Tuy nhiên, theo đơn vị quản lý tài sản của UBS Group AG, hàng hóa có thể tăng trở lại sau khi gánh chịu đợt bán tháo hiện tại khi các nhà máy hoạt động trở lại, với tín hiệu hoạt động ở Trung Quốc nói riêng bắt đầu cải thiện.
Bắc Kinh hiện đang thúc đẩy mọi người quay trở lại làm việc, nới lỏng các tiêu chí để các nhà máy được tiếp tục hoạt động, vì họ cố gắng tìm sự cân bằng giữa việc kiềm chế virus và ngăn chặn sự sụt giảm trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dẫu vậy, chính sự lây nhiễm bên ngoài Trung Quốc mới là điều khiến các thị trường lo lắng.
Tham khảo: Fortune