Internet đã thay đổi hầu hết các lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta trong vài thập kỷ qua và công nghệ này vẫn tiếp tục được cải thiện. Mới đây, các nhà nghiên cứu của Anh vừa thiết lập một kỷ lục mới về tốc độ truyền dữ liệu, đạt tốc độ đáng kinh ngạc lên tới 178 terabits / giây (Tbps).
Tốc độ này nhanh đến mức, nếu mỗi bộ phim 4K có dung lượng khoảng 15GB, bạn có thể tải xuống khoảng 1500 bộ phim như vậy chỉ trong vòng 1 giây. Nói cách khác, bạn sẽ tải xuống toàn bộ thư viện phim của Netflix chỉ trong một tích tắc. Để so sánh, kỷ lục mới đạt được này nhanh hơn 20% so với kỷ lục về tốc độ truyền dữ liệu trước đó, vốn được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Nhật Bản, và nhanh gấp đôi so với tốc độ Internet tốt nhất thế giới hiện nay.
Đáng chú ý, đây hoàn toàn không phải là tốc độ truyền dẫn chỉ đạt được trong phòng thí nghiệm. Thay vào đó, công nghệ được sử dụng để đạt tốc độ kỷ lục 178 Tbps có thể tích hợp vào hệ thống cáp quang hiện có một cách tương đối dễ dàng, theo các nhà khoa học đứng sau dự án.
Nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học ở Đại học College London
Về cơ bản, Internet ngày nay được xây dựng trên các tuyến cáp quang sử dụng bộ khuếch đại để ngăn tín hiệu ánh sáng suy giảm. Theo tính toán, việc bổ sung công nghệ mới cho bộ khuếch đại hiện có (vốn thường nằm cách nhau khoảng 40-100 km) sẽ ít tốn kém hơn đáng kể so với chi phí thay thế hệ thống cáp quang mới.
"Mặc dù các trung tâm dữ liệu đám mây (cloud data center) đang sử dụng các kết nối hiện đại nhất hiện nay để đạt tốc độ truyền tải khoảng 35 terabit một giây, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu các công nghệ truyền dẫn mới. Bản thân công nghệ này sẽ sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng hiện có, tận dụng hết băng thông cáp quang có sẵn để đạt tốc độ truyền dẫn lên tới 178 terabits một giây". Lidia Galdino, kỹ sư điện tử của Đại học College London ở Anh cho biết.
Hệ thống cáp quang biển chính là 'mạch máu' của Internet, đóng vai trò truyền dẫn dữ liệu đi khắp thế giới
Để đạt được tốc độ tốc độ truyền dữ liệu này, nhóm nghiên cứu đã sử dụng dải bước sóng (màu sắc của ánh sáng) rộng hơn nhiều so với dải bức sóng thông thường được sử dụng để truyền dữ liệu. Hệ thống truyền dẫn được thiết kế đặc biệt sẽ đạt mức băng thông 16,8 terahertz (THz) trong mỗi lõi sợi đơn, gấp bốn lần so với mức băng thông 4,5 THz được sử dụng bởi hầu hết cơ sở hạ tầng mạng hiện tại trên thế giới.
Việc tăng băng thông đó cũng yêu cầu các kĩ sư phải tăng công suất tín hiệu, đồng thời kết hợp một số kỹ thuật khuếch đại khác nhau.Trong khi đó, một hệ thống hybrid sẽ quản lý các đặc tính của từng bước sóng riêng lẻ một cách cẩn thận, sử dụng một quy trình gọi là "Constellation Shaping" để tối ưu hóa việc truyền tín hiệu và tránh nhiễu.
Kết quả, sự kết hợp của các kỹ thuật này cho phép một lượng lớn thông tin có thể được "nhồi nhét" vào cùng một không gian và sẽ được truyền đi nhanh hơn.