Sáng 14/9, tại Sở Tư pháp TPHCM, khá đông tài xế xe máy lẫn ô tô của Gojek đến nộp hồ sơ làm lý lịch tư pháp để chuyển sang chạy xe cho các hãng công nghệ khác.
Theo Sở Tư pháp, gần một tuần nay, tài xế công nghệ đến làm lý lịch tư pháp tăng cao, có hôm sở này tiếp nhận đến 500 bộ hồ sơ của tài xế Gojek .
Theo chân tài xế Gojek tìm việc mới, PV Tiền Phong cũng ghi nhận sự quá tải người đến xin việc tại các hãng xe công nghệ khác đang hoạt động ở TPHCM. Lúc 9 giờ ngày 13/9, tại điểm đăng ký ứng dụng Be nằm trong khu đô thị Sala (TP Thủ Đức), hàng trăm tài xế trên tay cầm sẵn hồ sơ đăng ký xin việc, phần đông trong số họ đều đến từ Gojek.
Đứng ngồi không yên chờ đến lượt gọi tên, ông Lê Bá Anh (52 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, có hơn 2 năm chạy xe cho Gojek) cho biết, hồ sơ cũng tương tự các ứng dụng xe công nghệ khác, gồm căn cước công dân, giấy phép lái xe , lý lịch tư pháp, giấy tờ xe, bảo hiểm tai nạn dân sự bắt buộc của xe, sim điện thoại chính chủ của tài xế và giấy khám sức khỏe đi làm kèm kiểm tra ma túy 4 chất bằng nước tiểu.
“Riêng khám sức khỏe kèm 4 chất ma túy thì được bổ sung trong vòng 30 ngày kể từ ngày kích hoạt app (ứng dụng). Việc đăng ký tài xế mới không phải đóng tiền tạm ứng, chỉ tốn 450.000 đồng tiền đồng phục và mũ bảo hiểm”- ông Anh chia sẻ. Theo ông Anh, so với nửa đầu năm 2024, lượng khách hàng đặt xe qua Gojek gần đây ít hơn. Một số tài xế linh động đăng ký chạy thêm app khác, nên khi Gojek tuyên bố dừng hoạt động thì họ không quá bất ngờ.
Cũng đăng ký tài xế của hãng Be, anh Lâm Minh Khánh (ngụ quận 4) nói: “Tôi đến đây lúc 9h30 thì không còn số, đành phải chờ đến chiều. Do lượng người đăng ký đông, nhưng thủ tục thì khá đơn giản. Chỉ mong mình không bị từ chối vì lượng người xin việc quá nhiều mà thôi”.
Liên hệ tổng đài Be về thủ tục đăng ký mới cho tài xế Be car, chúng tôi được nhân viên tổng đài hướng dẫn đăng ký qua online vì văn phòng tại TP Thủ Đức đã quá tải.
Ngày 14/9, PV Tiền Phong có mặt tại điểm đăng ký tài xế mới của hãng taxi Xanh SM ở quận Bình Tân (TPHCM). Thời điểm này, ở điểm đăng ký này có 5 người chờ làm thủ tục.
Tốn kém, chông chênh
Tại điểm đăng ký ứng tuyển tài xế Grab trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10), chúng tôi làm quen với ông Mạc Văn Tuấn (58 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn). Trên người còn mặc nguyên bộ đồ của Gojek nhưng trên tay ông Tuấn là bộ đồng phục của Grab - nơi ông vừa đăng ký tài xế thành công. “Dù chỉ mới đăng ký nhưng đã tiêu hết 830.000 đồng cho việc mua đồng phục và làm lý lịch tư pháp. Sau 2 tháng chạy thử còn phải ký quỹ 1 triệu đồng” - ông Tuấn nói.
Ông bảo, vừa vay tiền góp 1 triệu đồng (mỗi ngày góp 20.000 đồng) để làm các thủ tục xin việc nơi mới.
Theo nhân viên đăng ký thủ tục của Grab tại đây, dù những ngày qua, số lượng tài xế đến ứng tuyển vào Grab tăng cao nhưng hãng này đều nhận hết.
Tại điểm đăng ký của Xanh SM dành cho xe máy tại Vincom Quang Trung (quận Gò Vấp), cả trăm tài xế xếp hàng nhận số. Nhân viên khu vực nhận hồ sơ thông tin, chỉ nhận ứng tuyển hai ngày thứ Hai và thứ Năm, do lượng tài xế đến rất đông nên mọi người tranh thủ tới sớm. “Hôm qua chỉ phát 180 số, người đến sau hết số phải chờ ngày khác”, người này nói.
Cạnh tranh khốc liệt
Chia sẻ với PV Tiền Phong, anh Đ.M.P (ngụ quận 6, TPHCM) cho biết, anh có 6 năm kinh nghiệm chạy xe công nghệ. Thời gian đầu, chỉ có một vài hãng xe công nghệ nên ít có sự cạnh tranh, cuốc xe nhiều nên cuộc sống tài xế cũng khả quan. Tuy nhiên, khoảng 1-2 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của nhiều ứng dụng xe công nghệ cùng với đó là các hãng xe vận tải hành khách mới với nhiều chương trình ưu đãi “khủng” cho tài xế và hành khách nên cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn.
Anh Minh (25 tuổi, quê Bắc Giang) nói rằng, có người bạn đã đăng ký Xanh SM từ hồi tháng 7 nhưng đến nay vẫn chưa có việc làm vì đã hết xe. “Bây giờ tôi nghỉ Gojek mới đăng ký ở Xanh SM, dù đơn vị này đã nhận hồ sơ nhưng không biết bao giờ mới có xe để chạy”, anh Minh nói.
Nhiều tài xế khi đăng ký thành đối tác của các hãng xe công nghệ không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, nên khi mất việc, họ gần như không có khoản trợ cấp nào. Anh Nhân (quê Long An) nói. “Tôi không có bất cứ trợ cấp nào khi thất nghiệp, thời gian này cũng không thể đăng ký ứng dụng khác vì nơi nào cũng phải tốn tiền triệu để mua đồng phục, ký quỹ… Nếu đăng ký chạy tạm thời rồi chuyển qua nơi khác thì coi như mất trắng các khoản phí đã đóng trước đó”.
Bảo hiểm xã hội
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 15/9, đại diện Grab Việt Nam cho biết, đơn vị này ghi nhận số lượng đối tác tài xế đăng ký mới tăng ở một số tỉnh thành những ngày qua. Grab đang triển khai một số chương trình để tạo điều kiện thuận lợi cho các tài xế mới có thể tham gia Grab. Tại Hà Nội, tài xế Grab bike mới được tặng đồng phục trị giá 150.000 đồng; thưởng đến 1,4 triệu đồng cho tài xế đủ điều kiện...
Ông Trần Anh Tuấn, Viện phó Viện nghiên cứu Ứng dụng đổi mới sáng tạo doanh nghiệp, cho biết, thị trường vận chuyển tại Việt Nam vẫn còn nhu cầu rất lớn. Nhu cầu vận chuyển hiện nay không chỉ dừng lại ở con người, mà còn liên quan đến hàng hóa, cung cấp vật tư… Dù Gojek rút đi thì số lượng việc làm này vẫn hiện hữu, các công ty khác chỉ mở rộng thị phần hoặc sẽ có những công ty mới ra đời.
“Lĩnh vực chạy xe công nghệ là một trong những nguồn việc làm thường xuyên, dành cho người đang cần công việc này và cả những người muốn làm việc bán thời gian. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là sự quan tâm của Nhà nước để người lao động không bị thiệt thòi, cần có sự chăm lo về an sinh xã hội đối với tài xế công nghệ. Theo tôi, cần có một nghiên cứu xã hội học để định hình tương lai về nhu cầu nguồn nhân lực này, để chúng ta có những giải pháp trong vấn đề giám sát, đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi cho người lao động trong lĩnh vực này”, ông Tuấn đề xuất.
Theo luật sư Nguyễn Tri Đức, Giám đốc Công ty Luật 360, Đoàn Luật sư TPHCM, căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. Theo luật sư Đức, từ khi các ứng dụng xe công nghệ có mặt tại nước ta, vấn đề bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi cho các tài xế đã được đặt ra. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết khi giữa các ứng dụng xe công nghệ và tài xế chỉ có thỏa thuận hợp tác mà không có hợp đồng lao động. “Người hành nghề lái xe công nghệ không có hợp đồng lao động thì chưa có chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc. Do đó, tôi nghĩ rằng các cấp, bộ, ngành cần nghiên cứu, bổ sung chính sách bảo hiểm xã hội cho đối tượng lao động phi chính thức này”, luật sư Đức nói.