Ngày 3/2/2022, Sea Shepherd - tổ chức bảo tồn hải dương phi lợi nhuận tại Pháp - đã đăng lên Twitter những bức ảnh khiến các nhà hoạt động môi trường tại Pháp cảm thấy... rợn người.
Một trong số đó là tấm ảnh dưới đây.
Bạn nghĩ tấm ảnh trên là gì? Đó là hình cận cảnh đàn cá hơn 100.000 con đã chết trên Đại Tây Dương, cụ thể là ở Vịnh Biscay ngoài khơi La Rochelle (Pháp).
"Đây là những gì đang xảy ra tại Vịnh Biscay ngoài khơi La Rochelle," - trích bài đăng của Sea Shepherd. "Có 4 con tàu đánh cá khổng lồ hoạt động ở đó, bao gồm Margiris - con tàu lưới cào lớn thứ 2 thế giới (đã bị cấm hoạt động tại Úc)."
Được biết, tàu Margiris có xuất xứ từ Hà Lan thường được mô tả là "siêu tàu lưới cào với kích cỡ của voi ma mút."
Tổ chức Tàu đánh cá bằng lưới rà và Tàu đông lạnh Pelagic (PFA) - hiệp hội đại diện chủ sở hữu con tàu Margiris hôm 4/2 đã có văn bản phản hồi về sự cố này. "Chúng tôi muốn làm rõ rằng vào khoảng 5h50 phút sáng ngày 3/2/2022, một lượng lớn cá đã tràn ra biển do sự cố rách lưới. Những sự vụ như vậy rất hiếm khi xảy ra, và nguyên nhân lần này là do lượng cá được đánh bắt là quá lớn. Theo luật của EU, toàn bộ sự cố và mất mát đã được ghi lại trong hải trình và được trình báo lên cơ quan địa phương."
Những tấm ảnh của Sea Shepherd cho thấy một lượng cá chết nhiều đến ngỡ ngàng và gây chấn động dư luận Pháp, thậm chí được Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin mô tả là "gây sốc". Ông cho biết cảnh tượng đàn cá chết quá lớn như vậy quả thực gây ám ảnh, đồng thời yêu cầu cơ quan giám sát đánh bắt thủy sản quốc gia phải mở cuộc điều tra.
"Pháp ủng hộ đánh bắt cá bền vững, và sự việc này không phản ánh thực tế tại đây. Nếu có vi phạm, chủ tàu sẽ buộc phải chịu trách nhiệm."
Tuy nhiên theo Lamya Essemlali, người đứng đầu của Sea Shepherd, số cá này đã bị cố ý thải bỏ ra biển.
Việc đánh bắt cá bằng lưới cào có quy mô lớn như tàu Margiris là điều mà các nhà hoạt động môi trường trên thế giới đã luôn phản đối. "Mỗi ngày, hàng ngàn tàu đánh cá trên thế giới mang theo những tấm lưới khổng lồ càn quét đáy biển, giật lấy mọi thứ và phá hủy môi trường đại dương," - trích trong một báo cáo của CNN năm 2021.
Nguồn: CNN