Theo Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) quy mô lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 7 doanh nghiệp nhà nước nắm chi phối sẽ được củng cố, phát triển thành "sếu đầu đàn" nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Các doanh nghiệp này, theo đề xuất ban đầu, gồm 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao (Viettel, VNPT, MobiFone), 2 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo (Tập đoàn Điện lực EVN và Tập đoàn Dầu khí PVN), 1 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cảng biển và logistics là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, và Vietcombank thuộc lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Ngoài tổng tài sản sản trên 20 nghìn tỷ đồng, các tiêu chí chung khác của các doanh nghiệp này là chiếm thị phần từ 30% trở lên, bảo đảm các quy định về cạnh tranh; ROE (lợi nhuận trên vốn) lớn hơn 6; được quản trị tốt trên cơ sở nguyên tắc OECD…
Theo dự thảo đề án, SCIC sẽ đồng thành cùng 3 tập đoàn, tổng công ty, gồm MobiFone (viễn thông), EVN (năng lượng) và Viettel (công nghiệp quốc phòng). Theo đó, SCIC sẽ phối hợp với EVN đầu tư các dự án năng lượng tái tạo và thu hút thêm sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, đầu tư vào các dự án chuyển đối số của MobiFone...
Chia sẻ tại Họp báo tổng kết năm 2021, ông Nguyễn Chí Thành Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC lý do SCIC được chọn đồng hành cùng các Tập đoàn, Tổng công ty trong vai trò trở thành "sếu đầu đàn" dẫn dắt nền kinh tế vì SCIC có những lợi thế đặc thù. Thứ nhất là SCIC có đội ngũ hỗ trợ quản trị doanh nghiệp, thứ hai là có vốn, thứ ba là có phương thức đầu tư tài chính và cuối cùng tín nhiệm của SCIC tốt nên có thể giúp doanh nghiệp huy động vốn với chi phí thấp.
"Hiện nay nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp rất lớn. Nếu đi huy động vốn thì SCIC sẽ là người huy động được vốn rẻ nhất vì xếp hạng tín nhiệm của SCIC có thể cao hơn xếp hạng tín nhiệm quốc gia. SCIC không có đồng vay nợ nào, danh mục toàn Vinamilk, Sabeco nên có thể huy động rẻ hơn các tập đoàn, tổng công ty", ông Thành nhận định.
Chủ tịch SCIC cho biết có thể sắp tới SCIC sẽ phối hợp với ngành ngoại giao để tổ chức Diễn đàn các quỹ đầu tư chính phủ tại Việt Nam để thu hút nguồn đầu tư gián tiếp về Việt Nam. Theo ông Thành, bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) thì thời gian qua Bộ Tài chính và SCIC đã đẩy mạnh huy động vốn gián tiếp nước ngoài thông qua các cuộc roadshow, các quỹ đầu tư Chính phủ như Na Uy, Mỹ, Vùng vịnh, Qatar, Oman nguồn lực tài chính lớn và họ quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Ông Thành cho biết Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước đã trình Chính phủ Chiến lược đầu tư SCIC và thời gian tới SCIC nhìn thấy có nhiều cơ hội đầu tư.
Trong năm 2022, SCIC sẽ đầu tư cổ phiếu ngân hàng. Ngân hàng Quân đội, đơn vị SCIC đang sở hữu gần 10% sẽ phát hành riêng lẻ, các ngân hàng khác như Vietcombank, Vietinbank cũng xin tăng vốn trong năm tới, SCIC đã báo cáo NHNN để có cơ hội tham gia.
Bên cạnh đó là các dự án hạ tầng hiện nay nhu cầu vốn rất lớn, SCIC đã báo cáo các cấp có thẩm quyền và phối hợp với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có thể mua lại quyền thu phí tại các dự án cao tốc. Ông Thành cho biết, SCIC vẫn là đơn vị đầu tư tài chính nhưng nếu nhận thấy các dự án đã hoàn thành định giá đầy đủ nhưng họ thiếu nguồn lực tài chính thì sẽ tham gia mua cổ phần. Trong danh mục của SCIC còn có Cảng Cái Mép-Thị Vải, SCIC đã làm việc với địa phương và phối hợp với Vinalines để đầu tư.
Chủ tịch SCIC đánh giá các cơ hội đầu tư trong năm 2022 là khả thi. Trong danh mục hiện SCIC đang quản lý có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tăng vốn. Tổng giá trị đầu tư của SCIC vào các doanh nghiệp đến thời điểm này lên tới 36.000 tỷ.
Về công tác bán vốn, năm qua doanh thu bán vốn của SCIC ước đạt 1.390 tỷ đồng, trong đó chênh lệch bán vốn là 933 tỷ đồng, gấp 3 lần kế hoạch. Theo Quyết định Tái cơ cấu 5 năm 2017-2021, tổng doanh thu bán vốn của SCIC là 42.000 tỷ, bán vốn thành công tại 68 doanh nghiệp, nộp ngân sách 45.628 tỷ.
"Tổng số lượng bán vốn thành công là con số chứng minh vượt mức trung bình rất lớn", Chủ tịch SCIC nhận định.
Theo ông Thành, quan điểm xuyên suốt của SCIC là tối ưu hoá danh mục và lựa chọn phương án tốt nhất để bán vốn nhà nước. Trong năm qua, danh mục nắm giữ của SCIC tăng trưởng rất mạnh, nhiều doanh nghiệp trong ngành Thép, Dệt May, Sông Đà có doanh thu và lợi nhuận cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Việc bán vốn với SCIC sẽ là "lựa chọn cái gì để bán" cho tốt nhất, chứ không phải bán bằng mọi giá. Như trường hợp của FPT và FPT Telecom, ông Thành chia sẻ hiện nay xu hướng phát triển chuyển đổi số, với các công ty công nghệ "không đầu tư thêm thì thôi tại sao lại bán". Năm qua, giá cổ phiếu FPT tăng hơn 50%.
Việc bán vốn tại các doanh nghiệp cũng phải rất mềm dẻo, bán đúng quy định pháp luật nhưng phải khả thi nếu không thì không có doanh thu, phải làm sao đáp ứng nhu cầu thị trường, nếu định giá cao quá không có người mua.
Năm 2021, thực hiện vai trò nhà đầu tư của Chính phủ, SCIC đã đầu tư 6.895 tỷ đồng mua cổ phần tăng vốn điều lệ tại Vietnam Airlines, chiếm tỷ lệ sở hữu 31%. Bên cạnh đó, SCIC đã triển khai nghiên cứu một số cơ hội đầu tư, như: dự án hợp tác với Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas); dự án xây dựng trụ sở của Tổng công ty và Chi nhánh miền Trung; Quỹ khoa học công nghệ của SCIC tài trợ cho hoạt động khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ và đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Dự án khu công nghiệp kỹ thuật cao Chân Mây, Cảng Cái Mép Hạ - Bà Rịa Vũng Tàu, Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, dự án Thành lập quỹ đầu tư với Mirae Asset, dự án đường cao tốc khu vực phía Nam,...