Nông dân đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu bán lúa tươi
Đã 2 hôm nay, ông Huỳnh Văn Sơn cùng nhóm nông dân trồng lúa thân tín ở huyện Thạnh Hóa (Long An) cứ thấp thỏm không yên vì câu chuyện nên tạm dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo.
Từ đầu vụ đông xuân đến nay, giá lúa ở mức tốt, có lời cho người trồng lúa. Gia đình ông Sơn vừa thu hoạch xong vụ nếp trên diện tích 1,2ha. Với năng suất 8 tấn/ha, giá 7.000 đồng/kg, thu nhập từ việc trồng nếp của ông Sơn vụ đông xuân này cũng hơn 70 triệu đồng.
Nông dân trồng lúa lo âu vì câu chuyện nên tạm dừng hay tiếp tục xuất khẩu gạo.
Tuy nhiên, từ chiều ngày 24/3 đến sáng nay 26/3, giá thu mua lúa có phần chững lại, thậm chí quay đầu giảm vì thông tin tạm ngưng xuất khẩu gạo của cơ quan chức năng.
Hiện nay, nông dân ĐBSCL phần lớn sản xuất trên diện tích nhỏ lẻ, không có vốn mà phải dùng chính nông sản làm ra để làm vốn quay vòng. Nghĩa là không bán lúa thì nông dân không có tiền trả tiền phân bón, vật tư nông nghiệp và đầu tư vụ tiếp theo. Đó là chưa kể, nhiều nông dân hiện nay phải “bán lúa non”để đổi lấy vật tư nông nghiệp, chi phí cho suốt vụ lúa.
Ông Sơn lo ngại, nếu tạm ngưng xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp trong nước sẽ ngừng thu mua lúa, giá lúa sẽ tiếp tục giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân.
Còn quan điểm cho rằng, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, giá gạo xuất khẩu tăng, sẽ kéo giá lúa tăng theo. Thực tế, nông dân khó mà được hưởng lợi từ điều này. Hầu hết nông dân đang bán lúa tươi ngay tại ruộng và chịu ảnh hưởng của mức giá thị trường ngay thời điểm cắt lúa. Việc đưa ra giả thiết, nông dân có thể trữ lúa, đợi giá lên rồi bán là điều không thể thực hiện được.
Phần lớn nông dân bán lúa tươi tại ruộng nên việc tích trữ chờ giá cao không thể thực hiện được.
Theo ông Sơn, việc mỗi gia đình trữ lúa cũng là chuyện rất khó. Hiện nay, để có gạo đạt chất lượng cao, các doanh nghiệp thường thu mua lúa tươi rồi sấy, chà xát theo quy trình kỹ thuật riêng với các thông số chặt chẽ. Nếu để nông dân mạnh ai nấy phơi lúa sẽ không cho ra sản phẩm gạo đồng đều được. Đó là chưa kể sẽ còn chuyện sâu bọ, chuột… phá hại, dẫn đến hao hụt. Thói quen phơi khô lúa rồi mới bán đã không còn nữa vì bất tiện và không được giá.
“Làm lúa ngày càng vất vả. Câu chuyện hơn 10 năm trước đã từng khiến gia đình ông Sơn một phen lao đao, không bán được lúa, thiếu hụt chi phí sinh hoạt gia đình, đổ nợ vật tư nông nghiệp… Nhắc đến chuyện tạm ngưng xuất khẩu, giờ ông Sơn cảm thấy lo sợ dù gia đình chỉ trồng hơn 1 mẫu ruộng.
Chuyên gia nông nghiệp, TS. Mai Thành Phụng lại cho rằng, trong tình hình hiện nay, việc tạm ngưng xuất khẩu gạo một thời gian ngắn có thể tạo đòn bẩy, giúp nâng cao giá trị hạt gạo cho nông dân.
Theo ông Phụng, vì chỉ là tạm thời ngưng ký hợp đồng mới nên thương lái, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo trong nước vẫn có thể mua gạo vào kho, chờ giá lên để xuất khẩu.
TS. Mai Thành Phụng cho rằng khi giá lúa gạo sẽ tăng, Việt Nam có điều kiện để chọn lựa giá bán và đối tác xuất nhập khẩu hợp lý.
“Giá lúa gạo sẽ tăng nhảy vọt trong vài ngày tới. Đây có thể là một đòn bẩy, giúp cân đối hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngành lúa gạo”, TS. Phụng nhận định.
Ngoài ra, nhu cầu lúa gạo thế giới năm nay tăng thêm 3,7 triệu tấn trong khi nguồn cung giảm. Khi đó, giá lúa gạo sẽ tăng, Việt Nam có điều kiện để chọn lựa giá bán nào là hợp lý. Đây sẽ là cơ hội nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo cho người dân, bằng cách chọn đối tác xuất nhập khẩu hợp lý nhất.
Gạo trong các siêu thị hiện cũng khá nhiều.
Nên cho các hợp đồng đã có đơn hàng xuất khẩu bình thường
Báo cáo về ngành hàng lúa gạo của Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NNPTNT) từ đầu năm 2020 đến nay cho thấy, tiêu thụ gạo toàn cầu được dự đoán đạt mức kỷ lục 493,1 triệu tấn trong niên vụ 2019/2020, giảm gần 0,8 triệu tấn so với dự báo tháng 1/2020 nhưng lớn hơn gần 6,4 triệu tấn so với một năm trước đó.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao nhất trong hơn 1 năm qua. Ảnh: I.T
Nhưng ở một diễn biến khác, tồn kho gạo cuối vụ toàn cầu trong niên vụ 2019/20 được dự báo ở mức kỷ lục 178,1 triệu tấn, tăng 1,0 triệu tấn so với dự báo trước đó và tăng 3,1 triệu tấn so với một năm trước đó. Đây là năm thứ 13 liên tiếp tăng tồn kho gạo cuối vụ toàn cầu, trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm phần lớn. Tồn kho lớn nhưng vẫn tăng lượng nhập khẩu cho thấy sự thận trọng của các thị trường trong việc đối phó với dịch Covid-19.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng khẳng định, dịch Covid-19 ở Trung Quốc không có tác động đến việc vận chuyển gạo Việt Nam sang thị trường này. Dự đoán giá gạo của Việt Nam có thể còn tăng hơn nữa vì hiện tại vẫn thấp hơn đáng kể so với các nước sản xuất gạo khác.
Nói về chủ trương tạm ngưng xuất khẩu gạo, một chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các quốc gia đều có xu hướng tích trữ lương thực, cộng với nạn châu chấu sa mạc đã và đang hoành hành ở châu Phi thì chủ trương của Chính phủ nhằm chăm lo cho người dân là đúng.
"Trong điều kiện Trung Quốc tăng nhập dù tồn kho vẫn lớn, rồi nạn châu chấu sa mạc khiến châu Phi mất mùa thì sự quan tâm của Chính phủ đến an ninh lương thực là vô cùng cần thiết. Chúng ta phải hiểu sự lo lắng của Chính phủ lúc này" - vị chuyên gia này nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, vụ đông xuân vừa được mùa, các doanh nghiệp vẫn còn đơn hàng, nếu tạm dừng đột ngột cũng sẽ gây khó xử cho họ.
Nếu dừng đột ngột có thể mất cơ hội, điều tiết không hợp lý ảnh hưởng đến doanh nghiệp, thậm chí còn ảnh hưởng đến giá lúa gạo trong nước. Bởi thời điểm này, lúa trong các vựa lớn còn khá dồi dào, cũng đã nhiều năm, nông dân ĐBSCL mới có được một vụ đông xuân được giá được mùa như vậy.
Sản lượng 43 triệu tấn, nhưng chỉ tiêu thụ hết 30 triệu tấn/năm Về tình hình xuất khẩu gạo và nhu cầu tiêu dùng trong nước, Bộ NNPTNT cho biết, tính đến ngày 15/3/2020, sản lượng gạo xuất khẩu đạt gần 1,3 triệu tấn. Dự báo, sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13 - 13,4 triệu tấn thóc). Theo dự báo, nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước là gần 30 triệu tấn thóc, bao gồm tiêu thụ của người dân, phục vụ chế biến, phục vụ chăn nuôi, dùng làm giống và dự trữ trong nước. "Đối với 5 triệu người khu vực nội thành Hà Nội một năm sẽ tiêu thụ hết 483.000 tấn gạo (tương đương 96,6 kg gạo/người/năm)" - Bộ NNPTNT cho biết. |