Chia sẻ về câu chuyện này, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam cho rằng, ở giai đoạn này, tâm lý nhà đầu tư địa ốc sẽ bị ảnh hưởng phần nào, trước những động thái "siết chặt" của thị trường BĐS. Tâm lý nhà đầu tư biến động theo hai hướng: Hướng thứ nhất, nhiều nhà đầu tư nhìn thấy bất ổn trên thị trường tài chính, sẽ có tâm lý lung lay chuyển tài sản sang BĐS; thứ hai, sẽ có nhóm NĐT sẽ e dè trong quyết định mua BĐS của CĐT ở giai đoạn này.
"Nếu chưa sở hữu BĐS, nhà đầu tư sẽ cân nhắc kỹ hơn với BĐS. Với những NĐT đang nắm giữ tài sản thì băn khoăn có nên ra hàng ở thời điểm này hay không, có giảm giá để ra hàng nhanh hay không. Nói chung, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường có sự dao động nhất định", chuyên gia CBRE Việt Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Kiệt, BĐS vẫn là kênh đầu tư được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, đặc biệt trong bối cảnh nguy cơ lạm phát.
Chuyên gia này cũng cho biết, mặt bằng giá BĐS dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Khả năng mua nhà của đối tượng người ở thực cũng càng trở nên khó khăn hơn khi BĐS liên tục thiết lập giá mới. Từ đó, dẫn đến sức mua trên thị trường thứ cấp có phần hạ nhiệt, việc CĐT ra hàng cũng giới hạn về sức mua khi giá cao.
Có thể thấy, những động thái từ phía nhà nước, ngân hàng nhằm "siết" đầu cơ BĐS càng rõ nét trên thị trường BĐS ở thời điểm này. Một vài ý kiến còn cho rằng, khi ngân hàng siết tín dụng BĐS khiến dân đầu cơ, lướt sóng lo lắng 1 cơn sóng xả hàng, cắt lỗ. Dù điều này chưa thể hiện rõ nét nhưng những nguy cơ được dự báo.
Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng dừng giải ngân cho vay BĐS sẽ loại bỏ nhà đầu tư phụ thuộc đòn bẩy tài chính và các nhóm đầu cơ. Đây chỉ mới là bước đầu của lộ trình kiểm soát tín dụng BĐS khi chỉ một vài nhà băng tiến hành kiểm soát hạn mức giải ngân đối với các khoản vay mua BĐS đã có giấy chứng nhận. Lộ trình siết van tín dụng đã được cân nhắc đến nhiều năm qua nhưng liên tục bị đề xuất trì hoãn. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng van tín dụng cho đầu tư địa ốc có thể bị thắt chặt hơn từ giữa năm 2022 để ổn định thị trường nhà đất.
Việc siết tín dụng BĐS có mặt tích cực là góp phần kiểm soát lượng cung tiền trên thị trường một cách thận trọng hơn trước. Động thái này đồng thời cũng hạ nhiệt phần nào bong bóng giá nhà đất vốn đã quá cao thời gian qua. Với các nhà đầu tư mua BĐS bằng tiền nhàn rỗi, hoặc doanh nghiệp có khả năng bán hàng tốt sẽ ít bị tác động khi ngân hàng siết hoặc khóa van tín dụng.
Tuy nhiên, siết van tín dụng BĐS chắc chắn tác động tiêu cực đến nhóm nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, giới đầu cơ nhà đất. Thậm chí việc giới hạn cho vay đầu tư BĐS có thể gây khó khăn cho các chủ đầu tư có lượng hàng tồn kho lớn nhưng tốc độ bán hàng chậm.
Có thể thấy, hiện tượng BĐS liên tục tăng giá đang dẫn đến những hệ luỵ nhất định cho thị trường BĐS. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra các vi phạm trong lĩnh vực BĐS, chứng khoán…điều này cho thấy, thị trường BĐS cần được quản lý chặt chẽ để hạn chế phát sinh những tiêu cực cả nguồn cung lẫn giá bán.
Trước đó, ông Lê Quốc Kiên, Một nhà đầu tư kì cựu cho rằng, việc siết tín dụng bất động sản sẽ tác động đến hành vi vay vốn mua đất để đầu cơ, để phân lô bán nền, gom đất nông nghiệp mua bán sang tay ngắn và trung hạn. Qua đó, thị trường đầu tư đất nền sẽ lành mạnh và ổn định hơn. Khi việc siết tín dụng được tiến hành chặt hơn, những nhà đầu tư đất nền bắt buộc phải sử dụng tiền nhàn rỗi (hoặc vốn vay bằng đường gì đó nhưng với tỉ trọng nhỏ hơn nhiều), và đầu tư trong trung - dài hạn (3-10 năm) chứ không thể mua bán ngắn và trung hạn, đẩy giá lên liên tục như 3 năm qua.
Như vậy, trước mắt những động thái "siết chặt" từ phía cơ quan nhà nước đã ảnh hưởng đến nhóm nhà đầu tư, đầu cơ đất nền phân lô nhỏ lẻ. Trong khi, các nhà đầu tư tổ chức và nhóm doanh nghiệp có thể phải tính toán lại phương án dòng tiền và giảm bớt hàng tồn để tránh rủi ro trong bối cảnh thanh khoản thị trường có thể sụt giảm.