Phần chia sẻ của ông Nguyễn Anh Dũng - Giám Đốc Cấp Cao - Trưởng BP Đo Lường Bán Lẻ, Nielsen Vietnam nằm trong buổi hội thảo CMO và bài toán tăng trưởng thời 4.0 do Viện tiếp thị ứng dụng Sage tổ chức tại TP HCM ngày 26/5 vừa qua. CafeBiz là đơn vị bảo trợ truyền thông chính thức cho sự kiện này.
Ông Dũng đề cập đến 4 thay đổi lớn đang diễn ra trong hành vi tiêu dùng của người Việt.
Thứ nhất là hành vi tiêu dùng luôn luôn trong trạng thái di chuyển. Ông Dũng lấy ví dụ là số lượng người trong một gia đình ngày càng giảm. Hiện tại, ở TP HCM, mỗi gia đình chỉ có 1,5 con. Trong khi đó, thu nhập của họ tăng mà chỉ phải chi tiêu cho 3-4 người. Đó là lý do vì sao kênh tiện lợi tăng trưởng trong thời gian gần đây.
Thị trường Thái Lan, nơi mà có nhiều điểm tương đồng với thị trường Việt Nam, hệ thống kênh bán hàng tiện lợi đã vượt qua cả siêu thị.
Thứ hai là người Việt rất thích dòng sản phẩm cao cấp. Ông Dũng cho rằng, ở khu vực nông thôn, nhiều người nghĩ là sản phẩm cao cấp không được ưa chuộng. Tuy nhiên, trong thực tế, hàng cao cấp góp phần lớn vào tăng trưởng ở vùng nông thôn.
Cao cấp ở đây là chất lượng cao, chức năng tốt và thiết kế đẹp mắt. Ngoài ra, một yếu tố rất quan trọng ở Việt Nam, đó là cảm xúc. Theo ông Dũng, người ta mua sản phẩm cao cấp để có cảm giác đang thành công, tự tin hơn.
Thứ ba, đó là người Việt ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn. Theo các nghiên cứu chỉ ra, sức khỏe nằm trong top 3 những mối quan tâm hàng đầu của người Việt.
Các bê bối liên quan đến sản phẩm kém chất lượng ở mảng thực phẩm, đồ uống càng khiến người tiêu dùng quan tâm hơn đến xuất xứ, chất lượng sản phẩm.
Có đến 80% người được hỏi đã thay đổi cách ăn để giảm đường, mỡ. 66% người được hỏi hướng tới các sản phẩm tự nhiên. Và một điểm nữa, người Việt thích mua đồ ở các cửa hàng chuyên biệt và sẵn sàng trả tiền cao hơn cho các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe.
Thứ tư là kết nối của Việt Nam với thế giới đang rất cao. 62% người Việt đã có điện thoại và trong số đó 50% đã dùng điện thoại thông minh. 44% người dân ở vùng nông thôn đã có điện thoại thông minh, dù những chiếc smartphone ở nông thôn có thể ở mức giá trung bình chỉ 2-3 triệu đồng.
Một đặc điểm nữa, đó là hiện người Việt đang dành 24,7 giờ/tuần để sử dụng Internet, đây là cơ hội lớn cho các ngành online.
Do đó, bán hàng đa kênh, kết hợp cả kênh cửa hàng và online, đang được áp dụng rất nhiều. Online và offline hỗ trợ cho nhau để phục vụ người tiêu dùng.
Nắm bắt được những thay đổi về người tiêu dùng trên, các doanh nghiệp có thể có những chiến lược phù hợp để phát triển công ty, cơ sở của mình.