Hoạt động tạm nhập tái xuất mặt hàng đường ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất đường trong nước |
Trong bối cảnh ngành mía đường trong nước đang gặp vô vàn khó khăn, một số nhà máy phải tạm ngừng hoạt động, đã có vùng nguyên liệu người dân mất ăn mất ngủ vì mía chết khô trên đồng ruộng do chưa được thu mua, nhiều chuyên gia kiến nghị Chính phủ không nên gia hạn thêm thời gian tạm nhập tái xuất mặt hàng đường vì thực tế cho thấy nhà nước thu lợi không được bao nhiêu từ chính sách này.
Qua nguồn tin riêng chúng tôi được biết, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc kinh doanh tạm nhập tái xuất mặt hàng đường qua các cửa khẩu, lối mở thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai gồm Mường Khương, Bản Vược, Na Lốc, Lũng Pô và Bản Quẩn theo hướng cho phép gia hạn thực hiện các giấy phép tạm nhập tái xuất đã cấp đến hết ngày 31/12/2019.
Trước đó, năm 2015, theo đề xuất của Bộ Công Thương, Chính phủ cho phép tạm nhập tái xuất qua địa bàn tỉnh Lào Cai 220.000 tấn đường (chủ yếu là đường Thái Lan), thời hạn thực hiện tái xuất được gia hạn đến ngày 31/12/2017. Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp, tỷ lệ thực hiện giấy phép tạm nhập tái xuất đường đến hết năm 2017 chỉ đạt khoảng 43,73%, trong đó một số doanh nghiệp đã nhập đường về nhưng chưa xuất được sang Trung Quốc.
Để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp tạm nhập tái xuất đường, Bộ Công Thương đang kiến nghị Chính phủ theo hướng cho phép gia hạn thực hiện các giấy phép tạm nhập tái xuất đường đã cấp đến hết ngày 31/12/2019 trên nguyên tắc: Không bổ sung thêm số lượng mà tập trung xử lý dứt điểm 220.000 tấn đường đã được cấp phép; không bổ sung doanh nghiệp mới ngoài các doanh nghiệp đã được cấp phép và chỉ được xuất qua các cửa khẩu, địa điểm đã được Chính phủ cho phép. Bên cạnh đó, xem xét thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện quá ít từ năm 2015 để chuyển cho các doanh nghiệp đã được cấp phép khác, có điều kiện giao nhận tốt hơn.
Hiện dư luận, đặc biệt là doanh nghiệp và nông dân sản xuất mía đường trong nước vô cùng hoang mang, bức xúc về câu chuyện tạm nhập tái xuất mặt hàng đường. Theo số liệu Hiệp hội Mía đường Việt Nam và một số doanh nghiệp mía đường lớn cung cấp, niên vụ đường 2017/2018 đã vào vụ gần 2 tháng, nhưng lượng đường đang tồn kho từ niên vụ cũ trong các nhà máy vẫn còn trên 200.000 tấn, năm 2017 có thời điểm lượng đường tồn kho lên tới 700.000 tấn.
Chính bởi việc tiêu thụ gặp khó khăn, đường nhập lậu từ Thái Lan tràn vào quá nhiều khiến giá đường trong nước đã giảm ngang bằng với giá đường nhập lậu, hiện chỉ còn 11.000 - 13.000 đồng/kg. Nhiều nhà máy đường đã chấp nhận bán dưới giá thành để có vốn quay vòng thu mua mía cho bà con nông dân và tái hoạt động sản xuất. Một số nhà máy phải tạm dừng hoạt động với lí do “bảo trì kỹ thuật” vì càng sản xuất càng lỗ.
Trong cảnh khó khăn chồng chất nên khi biết được việc Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai đang kiến nghị Chính phủ gia hạn tạm nhập tái xuất mặt hàng đường đến 31/12/2019, nhiều doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước thực sự “sốc”.
Bởi thực tế hiện nay giá đường trong nước đã giảm ngang bằng với giá đường nhập lậu rồi tại sao các doanh nghiệp thương mại không giúp tiêu thụ đường cho doanh nghiệp trong nước và bà con nông dân mà lại đi tiêu thụ giúp đường cho Thái Lan, một cường quốc về mía đường trên thế giới đang cạnh tranh trực tiếp với đường Việt Nam ngay trong nội địa.
Dư luận đặt dấu hỏi, phải chăng có lợi ích nhóm gì trong câu chuyện tạm nhập tái xuất này bởi xét cho cùng nhà nước không thu được gì nhiều từ chính sách này ngoài vài đồng tiền phí? Trong khi đó, giao thông hạ tầng chắc chắn bị ảnh hưởng bởi việc tạm nhập tái xuất, chưa kể đường sản xuất trong nước xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc cũng bị gặp áp lực cạnh tranh rất lớn từ sản phẩm đường tạm nhập tái xuất này.
Do đó, để góp phần hỗ trợ sản xuất trong nước, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các chuyên gia kiến nghị Chính phủ chỉ gia hạn thêm thời gian cho các doanh nghiệp đã nhập khẩu đường về Việt Nam nhưng hiện chưa xuất được (số liệu thống kê khoảng 40.000 tấn) theo Khoản 4, Điều 11, Chương 3, Nghị định 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Đối với số lượng còn lại trong giấy phép, đề nghị Chính phủ cương quyết không xem xét gia hạn thêm vì nhà nước không thu được lợi ích gì từ chính sách này.
Số liệu thống kê từ năm 2012 cho thấy, kể từ khi cho phép tạm nhập tái xuất mặt hàng đường, lượng đường của doanh nghiệp trong nước xuất đi Trung Quốc sụt giảm mạnh, thậm chí hai năm gần đây gần như không xuất được tấn nào. Cụ thể, năm 2012 cho phép xuất khẩu 52.000 tấn, thực hiện được 100%; năm 2013 cho phép gần 266.000 tấn, thực hiện được 66%; năm 2014 cho phép 475.000 tấn thực hiện được 38%; năm 2015 cho phép 246.400 tấn thực hiện được 33%; năm 2016 và 2017 (giai đoạn Chính phủ cho phép tạm nhập tái xuất 220.000 tấn đường) chỉ xuất được vài nghìn tấn.
|