Có kinh nghiệm 7 năm bán hàng thời trang và giày thể thao, cô nhân viên kiêm quản lý 2 shop thời trang nhận xét, chưa năm nào ngày Black Friday lại “đen tối” và ảm đạm như vậy.
Nguyễn Thị Lan Anh, 27 tuổi, nhân viên bán hàng kiêm quản lý hai shop thời trang cho một thương hiệu tại Thanh Xuân, Hà Nội. Cô kể, ngay từ năm thứ nhất đại học, Lan Anh đã đi làm thêm, bán hàng cho một cửa hàng thời trang trẻ. Do nhanh nhẹn, tâm huyết với công việc và có kỹ năng bán hàng tốt, sau 2 năm, cô được giám đốc đề bạt lên làm quản lý của shop này.
“Vì biết cách quản lý các nhân viên partime và fulltime bán hàng hiệu quả, shop mình luôn có doanh thu bán hàng tốt nhất, đặc biệt không có tình trạng mất đồ này kia hoặc bị khách đánh giá xấu. Bởi thế, 2 năm sau, mình tiếp tục được giám đốc đề bạt quản lý thêm 1 shop giày thể thao khác ở Trần Phú, Hà Đông.
Từ đó, mình phụ trách hai shop thời trang đông khách nhất của thương hiệu này”, cô kể.
Với Lan Anh, ngày Black Friday 2021 là thảm cảnh bán hàng chưa từng có suốt 7 năm qua (ảnh minh họa). |
Sau 3 năm ra trường, đến nay Lan Anh đã có 7 năm kinh nghiệm bán hàng và quản lý cửa hàng thời trang. Do là người tiếp xúc với khách hàng hàng ngày, nắm bắt được tâm lý và sở thích của khách nên cô nhiều lần tư vấn, đề xuất với giám đốc các thiết kế mẫu áo, mẫu giày cũng như chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng.
Với ngày Black Friday, Lan Anh cho biết mọi năm chương trình khuyến mãi của shop chỉ diễn ra trong khoảng 3-4 ngày. Thông thường, hai cửa hàng Lan Anh phụ trách sẽ áp dụng chương trình khuyến mãi từ thứ Năm đến hết Chủ nhật. Nhưng từ năm ngoái đến năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, shop kéo dài chương trình khuyến mãi Black Friday suốt từ đầu tuần đến hết 31/11.
Ngoài kéo dài thời gian khuyến mãi, hai shop mà cô quản lý còn áp dụng chương trình giảm khá “khủng”. Bình thường, cô chỉ áp dụng giảm giá 30%, năm ngoái giảm thêm, 40%. Song năm nay, lần đầu tiên Lan Anh đẩy mức sale lên 50-70%. Có nhiều sản phẩm cô chấp nhận bán lỗ để kéo khách tới shop.
Riêng với những khách mua hàng online ngày Black Friday, cửa hàng còn áp dụng thêm tiền lệ chưa từng có trong nhiều năm kinh doanh. Đó chính là khách có quyền đổi hàng nếu như mua sản phẩm không ưng ý.
Tất cả các biện pháp trên nhằm mục đích duy nhất là chiều “thượng đế” mua sắm và giúp shop bán được nhiều hàng, duy trì hoạt động.
Dù đã làm hết cách, thế nhưng Lan Anh chia sẻ, suốt từ đầu tuần đến giờ, cửa hàng vẫn thưa thớt khách. Có thời điểm còn không một bóng khách vào xem hàng.
Sau 4 lần Hà Nội giãn cách, lượng khách đến cửa hàng ngày càng ít. Cả hai chi nhánh Lan Anh quản lý đều ảm đạm, phải liên tục treo biển giảm giá. Ngày Black Friday treo băng rôn sale nổi bật và thông báo rầm rộ trên page cũng như website thế nhưng không khí vẫn đìu hiu. Đây là thảm cảnh bán hàng ngày Black Friday chưa từng có suốt 7 năm trở lại đây của cô.
Nhớ lại những ngày Black Friday các năm trước, Lan Anh vẫn không giấu nổi cảm giác tự hào. “Chẳng bù cho dịp Black Friday những năm trước, khách canh giờ, canh ngày để săn sale. Dù chỉ kéo dài 3 ngày cuối tuần nhưng nhân viên cửa hàng bán không kịp, doanh thu từ bán hàng offline cũng 100-200 triệu đồng, chưa tính bán hàng online vài trăm triệu nữa. Còn năm nay, mọi thứ đang đóng băng đến đáng sợ”.
Cô tính toán, với lượng khách vào ra thưa thớt như hiện nay, khách lại đa phần không mặn mà mua sắm thì năm nay, doanh thu hai cửa hàng cố gắng lắm chỉ được 30-40% so với cùng thời điểm các năm trước.
Lan Anh chia sẻ, thực ra cô cũng lường trước được lượng khách mua sắm ngày Black Friday năm nay sẽ giảm, nhưng không nghĩ lại ế ẩm đến vậy.
Cô kỳ vọng, hai tháng cuối năm là đợt mua sắm lớn cuối cùng chuẩn bị cho Giáng sinh và Tết Nguyên đán, nhu cầu quần áo và giày dép diện Tết sẽ tăng cao, khi đó thị trường sẽ sôi động trở lại, chứ ảm đạm như thế này thì không biết cửa hàng của cô có duy trì nổi không.
Thảo Nguyên