Thưa ông, Luật Quản lý thuế năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều điểm được đánh giá là đột phá so với Luật hiện hành. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của Luật này?
Việc cải cách hệ thống thuế là một yêu cầu cấp thiết, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đang trở thành quốc gia kí kết một cách nhanh chóng và thực hiện một cách đầy đủ hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều khu vực và nhiều quốc gia trên thế giới. Vì thế việc cải cách hệ thống thuế là đòi hỏi bắt buộc mà cơ quan Thuế nói riêng và cơ quan quản lý Nhà nước nói chung cần hướng đến. Luật Quản lý thuế năm 2019 là một bước đi quan trọng giúp cơ quan Thuế cải cách chính sách thuế và có được công cụ để từ đó quản lý việc thu nộp thuế tốt hơn.
Tại Luật này, các điều khoản cũng như quy định mới về thời hạn, cách thức tính thuế đã tương đối cụ thể, rõ ràng, công khai và minh bạch. Về nội dung quản lý thuế, Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định 11 nhóm nội dung quản lý. Ngoài các nội dung đã được quy định tại Luật Quản lý thuế hiện hành, Luật mới sửa đổi, bổ sung các nội dung quan trọng và cần thiết với thực tế hiện nay như: Không thu thuế; khoanh tiền thuế nợ; áp dụng hóa đơn, chứng từ; hợp tác quốc tế về thuế và tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
Luật Quản lý thuế năm 2019 cũng quy định một số hành vi bị cấm như: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế; cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp,...
Đặc biệt, Luật này đưa ra nhiều nguyên tắc trong quản lý thuế, đó là: Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật; quản lý thuế đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế; áp dụng nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế, trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế; nguyên tắc quản lý rủi ro và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Đây chắc chắn là một đạo luật tương đối rõ ràng và đầy đủ về quản lý thuế trong thời gian qua. Luật này sẽ phải tiếp tục hoàn thiện dưới nhiều góc độ khác nhau trong quá trình thực thi.
Khi Luật Quản lý thuế năm 2019 được thông qua, dưới góc độ người nộp thuế, đa số ý kiến tỏ ra vui mừng bởi tại các quy định của Luật, vị thế của người nộp thuế được nâng lên hơn so với trước đây. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Luật Quản lý thuế năm 2019 có nhiều điểm mới liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế. Trong đó tập trung vào một số điểm chính: Kéo dài thời gian nộp quyết toán thuế Thu nhập cá nhân từ 90 ngày lên 120 ngày; mở rộng quyền của người nộp thuế; cho phép đại lý thuế cung cấp dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định… Tất cả đều được quy định cụ thể, công khai. Từ đó giúp cho việc phối hợp giữa cơ quan Thuế và người nộp thuế được dễ dàng, thuận lợi và minh bạch.
Đặc biệt, chính những quy định quá rõ ràng từ giấy tờ, quy trình, điều kiện... giúp người nộp thuế yên tâm, tránh tình trạng ở đâu đó có những cán bộ thuế nhũng nhiễu, phiền hà. Từ đó, tâm thế và vị thế của người nộp thuế cũng được cao hơn. Điều này rất quan trọng và có ý nghĩa góp phần làm thay đổi tâm tư, tình cảm của người nộp thuế, giúp người nộp thuế cảm nhận được vị trí và trách nhiệm của mình đối với xã hội, với Nhà nước. Nếu người nộp thuế tin tưởng cơ quan quản lý Nhà nước hơn thì sẽ tự giác hơn trong việc nộp thuế, sẽ giảm hiện tượng trốn tránh nghĩa vụ thuế, giúp ngân sách Nhà nước bị giảm thất thu và nguồn thu thuế ổn định hơn, kịp thời hơn.
Một điểm đáng chú ý nữa tại Luật Quản lý thuế năm 2019 đó là những nội dung liên quan đến quản lý thuế thương mại điện tử. Theo ông, những điều khoản quy định về phương thức quản lý, sự phối hợp giữa nhiều bên liên quan tại Luật đã đúng và đủ chưa?
Việc quản lý thuế thương mại điện tử trên nền tảng kĩ thuật số rõ ràng đã có sự quan tâm của cơ quan quản lý thuế và thể hiện rõ ràng tại Luật mới. Tuy nhiên do đây là lĩnh vực tương đối mới và lại là lĩnh vực phát triển rất nhanh, rất đa dạng, phong phú nên việc thường xuyên theo dõi, nắm bắt, quản lý và có các biện pháp sửa đổi chỉnh sửa quy định của cơ quan Thuế là điều cần thiết phải thực hiện ngay. Nếu nói các quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2019 liên quan đến thuế thương mại điện tử đúng chưa thì tôi khẳng định là đã đúng. Còn nếu hỏi đủ chưa thì tôi cũng xin nói là chưa đủ. Bởi lẽ, thương mại điện tử đang phát triển từng ngày, từng giờ, thay đổi một cách nhanh chóng. Do vậy, nếu chỉ căn cứ vào những quy định cứng thì sẽ không bao giờ cơ quan Thuế có thể bao quát hết được lĩnh vực này.
Chính vì vậy, Luật cũng nêu rõ sẽ giao Chính phủ hướng dẫn thêm về nội dung này. Việc cần làm của cơ quan Thuế đó là thường xuyên theo dõi, nghiên cứu thực tế, từ đó bổ sung thêm những quy định về quản lý, kê khai mới nhằm chống thất thu thuế một cách hiệu quả. Đặc biệt, phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như: Nhà mạng, Bộ Thông tin & Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại để có đầu mối thông tin chính xác, đầy đủ, thêm dữ liệu cho cơ quan Thuế trong quản lý.
Ông có kỳ vọng như thế nào khi Luật đi vào cuộc sống, tác động của nó tới công tác quản lý thuế, doanh nghiệp và người nộp thuế?
Đến thời điểm 1/7/2020, khi Luật Quản lý thuế năm 2019 có hiệu lực và đi vào cuộc sống, sẽ làm thay đổi một phần cách thức hành xử và làm việc giữa cơ quan quản lý thuế với người nộp thuế, tăng cường năng lực của cơ quan Thuế, cải thiện niềm tin và sự hợp tác giữa người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Đặc biệt, Luật này cũng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch trong hoạt động quản lý Nhà nước.