Đối với chủ đề đầu tiên là thông tin sai lệch trên mạng xã hội, Bộ trưởng Hùng cho biết đây là câu chuyện toàn cầu, xuất hiện ở cả nước lớn và nước nhỏ với tình trạng ngày càng nặng hơn.
"Chúng ta mới sống trên không gian mạng khoảng chục năm thôi, chưa có nhiều kinh nghiệm, còn đời sống thực thì có kinh nghiệm nhiều nghìn năm rồi", Bộ trưởng Hùng nói và cho biết có thể áp dụng một số logic trong đời thực vào mạng ảo để xử lý tình trạng trên.
Theo ông, đầu tiên cần định nghĩa tường minh thế nào là thông tin sai. Điều này phải được thực hiện bằng pháp luật, tức phải sửa một số quy định luật pháp.
Tiếp theo Việt Nam cần phải có công cụ giám sát, phân tích đánh giá, "tức là dùng công nghệ", Bộ trưởng nói.
Một ngày trên mạng xã hội bằng tiếng Việt, Bộ trưởng Hùng cho biết có khoảng 100 triệu thông tin, do vậy, không dùng con người để xử lý được. Hiện Bộ TTTT đã bước đầu xây dựng được trung tâm quốc gia về giám sát an toàn thông tin trên không gian mạng. Trung tâm này có thể đọc được 100 triệu tin/ngày, có phân tích, đánh giá, phân loại.
Ảnh: Tiến Tuấn. Đồ họa: 7pm
Mặt khác, Bộ trưởng đề cập đến việc cần có công cụ quét rác – là sự kết hợp giữa pháp luật và công nghệ. Ở đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng cần một đầu mối và đề xuất Chính phủ ra quyết định.
Điểm khó nằm ở các mạng xã hội xuyên biên giới, vì vậy, Bộ trưởng nhận xét cần mạnh tay hơn trong việc yêu cầu các nhà cung cấp tuân thủ pháp luật Việt Nam, đặc biệt là gỡ bỏ thông tin.
"Chúng ta có thể học kinh nghiệm quốc tế, EU và một số nước ASEAN đã làm rồi", ông nói và nhấn mạnh điều quan trọng nhất là kiên quyết thượng tôn pháp luật, có chế tài xử lý những người đưa tin sai.
"Mạng xã hội không phải ảo mà là thật, chúng ta không nên bỏ trống trận địa này. Người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên không gian mạng, khi cái tốt nhiều hơn thì cái xấu sẽ giảm đi", Bộ trưởng nói.
Đối với vấn đề thứ hai là sim rác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận xét gốc rễ giải quyết nằm ở việc phải có một cơ sở dữ liệu công dân chính xác, từ đó xác định được mối quan hệ giữa người đăng ký với sim điện thoại và gắn vào chứng minh thư.
Tại một số quốc gia, người ta đã cài vào chứng minh thư thông tin ID duy nhất như ảnh, vân tay...
"Vừa qua khi chúng ta chưa làm được thì đã dùng nhiều biện pháp, có tốt đấy nhưng để căn cơ thì phải xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, nó không chỉ tốt cho sim rác mà còn cho cả chính phủ điện tử", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết thúc phần phát biểu lần đầu tiên tại Quốc hội.