Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính (giữa) trao quyết định cho bà Lâm Phương Thanh và ông Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: Tiền Phong)
Từ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư tới Bí thư Lạng Sơn
Trao đổi với Dân Việt sáng nay, 24.12, về thông tin ông Trần Sỹ Thanh được điều động về làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đại diện PVN cho biết chưa có thông tin chính thức về vấn đề này. Khi nào có quyết định chính thức PVN sẽ có thông cáo báo chí hoặc tổ chức Hội nghị công bố thông tin.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Trần Sỹ Thanh sinh ngày 16. 3.1971, quê quán tại xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An (quê gốc tại Nam Định).
Ngày 5.2.2004, ông Trần Sỹ Thanh được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng Kho bạc Nhà nước Việt Nam. Ba năm sau (2007), trước khi được điều chuyển tham gia Tỉnh ủy Đắk Lắk, ông Trần Sỹ Thanh đã giữ chức Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Việt Nam.
Ngày 12.11.2008, ông được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê chuẩn bổ nhiệm vào chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Ông Trần Sỹ Thành được điều từ Bí thư Lạng Sơn về làm Phó Ban Kinh tế T.Ư Kiểm Chủ tịch HĐTV PVN. (Ảnh: I.T)
Ngày 3.10.2010, tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XV, ông được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và làm đại biểu tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI. Tại Đại hội Đảng toàn quốc, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương, tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Ngày 4.6.2012, ông thôi tham gia Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang nhiệm kỳ 2010 - 2015 thay người tiền nhiệm là ông Nông Quốc Tuấn về giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
Ngày 11.1.2015, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) đã bầu bổ sung ông vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (Khóa XI). Đến ngày 13. 2. 2015, ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương.
Tuy nhiên chỉ 8 tháng sau, ông Trần Sỹ Thanh lại được Bộ Chính trị điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn và chính thức nhận chức vụ này từ ngày 28.10. 2015.
Và đến 24.12.2017, ông lại được Bộ Chính trị điều về làm Phó trưởng Ban kinh tế T.Ư kiểm Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.
9 tháng PVN thiếu ghế Chủ tịch
Trước đó, ngày 9.3.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 308/QĐ-TTg về thôi giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với ông Nguyễn Quốc Khánh để về nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương.
Sau khi ông Nguyễn Quốc Khánh được điều động về Bộ Công Thương vào tháng 4.2017, Bộ Công Thương cũng đã nhất trí với đề xuất của PVN về phương án nhân sự Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN. Theo đó, ông Nguyễn Hùng Dũng là ứng cử viên sáng giá, Phương án này cũng được trình các cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Trước đó, Bộ Công Thương đã làm thủ tục lấy phiếu tín nhiệm cho vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN và ông Nguyễn Hùng Dũng có tỷ lệ tín nhiệm khá cao.
Ông Nguyễn Hùng Dũng sinh ngày 19.8.1962, có chuyên ngành kỹ sư điều khiển tàu biển. Ông Dũng từng đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) trước khi được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc PVN từ tháng 6.2013.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Nguyễn Quốc Khánh được điều động về Bộ Công Thương, “ghế nóng” của PVN vẫn chưa có người kế nhiệm. Và đề xuất của Bộ Công Thương đối với ông Nguyễn Hùng Dũng cũng chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Có thể nói, chức vụ Chủ tịch HĐTV của PVN đến nay được goi là “ghế nóng” là hoàn toàn có lý. Bởi tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan điều tra đã khởi tố 3 đời chủ tịch của PVN là các ông: Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch PVN giai đoạn từ 2005-2011; ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch PVN giai đoạn 2014-2015; ông Nguyễn Quốc Khánh Chủ tịch PVN thời điểm từ 21.1.2016 đến ngày 9.3.2017.
Ngoài ra, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch PVN giai đoạn 2011-2014 cũng vừa bị khởi tố trong giai đoạn ông làm Tổng Giám đốc tập đoàn này.