Nỗ lực của Trung Quốc nhằm trừng phạt Australia vì một loạt tranh chấp, bao gồm cả về nguồn gốc của đại dịch Covid-19, tiếp tục tạo ra những kết quả trái ngược và có khả năng khiến giá hàng hóa thiết yếu cao hơn trong thời gian dài.
Vì lệnh cấm nhập khẩu than nhiệt từ Australia - thứ được sử dụng để sản xuất điện - đã khiến các tàu chở than của Australia bị bỏ lại tại các cảng của Trung Quốc trong khi giá điện ở nhiều vùng của Trung Quốc tăng cao trong thời điểm bắt đầu mùa đông lạnh giá.
Một số công nhân khai thác than của Australia đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm, nhưng chính người tiêu dùng ở Trung Quốc cũng buộc phải trả nhiều tiền điện hơn. Nhưng tác động tiêu cực nhất của lệnh cấm than chính là tạo ra nhu cầu mạnh mẽ đối với các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) vừa đạt mức giá kỷ lục mọi thời đại - gần 30 USD/triệu đơn vị nhiệt của Anh.
Những người mua khí đốt của Trung Quốc đang phải tranh giành nguồn cung từ Australia với các công ty điện lực của Nhật Bản và Hàn Quốc. Australia chính là một trong những nước hưởng lợi lớn vì đây là nước xuất khẩu LNG lớn thứ hai thế giới.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc gây tổn hại cho Australia phần lớn diễn ra ở các ngành xuất khẩu nhỏ như lúa mạch, gỗ, thịt, hải sản và rượu - những doanh nghiệp có thể chuyển phần lớn xuất khẩu của họ sang các nước khác.
Thương mại giữa hai nước vẫn sẽ tiếp tục bất chấp các vấn đề ngoại giao
Một trong những thước đo tốt nhất về cách mà tranh chấp giữa Trung Quốc và Australia mang màu sắc chính trị hơn là thương mại nằm ở những con số: thống kê cho thấy thấy xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc chỉ giảm nhẹ (2%) trong 11 tháng tính đến cuối tháng 11; và nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Australia tăng 5%.
Về phía đồng USD, Trung Quốc đã bán hàng hóa và dịch vụ trị giá 76,3 tỷ USD cho Australia tính đến ngày 30 tháng 11 trong khi xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đạt tổng giá trị 132,5 tỷ USD.
Xuất khẩu chủ đạo của Australia sang Trung Quốc vẫn là quặng sắt, vốn có nhu cầu lớn nhờ tốc độ sản xuất thép tăng mạnh và sự phục hồi chậm của các lô hàng quặng sắt Brazil sau một loạt tai nạn công nghiệp và ảnh hưởng của Covid-19 đối với lực lượng lao động Brazil.
Giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến thương mại Trung Quốc và Australia, được ví như cuộc đấu tranh giữa David và Goliath, được kỳ vọng là một nỗ lực quyết tâm của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào quặng sắt của Australia - hiện chiếm khoảng 60% lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc. .
Châu Phi đang hiện diện một cách từ từ
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của mình, Trung Quốc cần khuyến khích xây dựng các mỏ quặng sắt mới ở các nước khác, điều mà họ đang làm ở châu Phi, đặc biệt là ở Guinea, nơi dự án lớn Simandou đang dần hình thành.
Những lô quặng đầu tiên từ Simandou được dự đoán sẽ chỉ được xuất sang Trung Quốc trong ít nhất ba, và có thể là năm năm, đồng nghĩa với việc các công ty khai thác ở Australia có thể tận hưởng lợi nhuận cao trong một thời gian, trong khi họ cũng không có động lực đầu tư mở rộng sản lượng vì các mối đe dọa thương mại từ phía Trung Quốc.
Kết quả là giá quặng sắt có thể tiếp tục tăng trong vài năm, và mặc dù nhiều khả năng sẽ không giữ được ở mức kỷ lục như hiện tại 168 USD/tấn, thì mức giá dự kiến vẫn sẽ duy trì trên 100 USD/ tấn, tức là ít nhất gấp hơn bảy lần chi phí 14 USD/tấn mà các nhà sản xuất lớn như BHP và Rio Tinto đang phải chi.
Australia không có khả năng mở rộng
Các nhà máy thép Trung Quốc muốn thấy Australia mở rộng sản xuất quặng sắt, điều cũng đang diễn ra khi các công ty khai thác nhỏ bị thu hút bởi giá cao. Tuy nhiên các nhà sản xuất lớn nhất không có kế hoạch mở rộng, họ chỉ đưa vào dây chuyền các mỏ mới để thay thế cho những mỏ cạn kiệt.
Mối đe dọa từ sự cạnh tranh do Trung Quốc tài trợ từ các mỏ mới ở châu Phi khiến các công ty khai thác lớn của Australia rất ít động lực để mở rộng thêm, mà chỉ mong muốn thu về dòng tiền mạnh mẽ từ các hoạt động hiện tại.
Mặc dù 5 năm tới câu chuyện có thể khác, nhưng đó cũng có thể là thời kỳ mà tất cả các nhà xuất khẩu hàng hóa của Australia đều quyết tâm chuyển sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Tham khảo Forbes