Ngày 16/9, tại thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai, Bộ NN&PTNT tổ chức Lễ xuất khẩu cà phê sang châu Âu, theo Hiệp định EVFTA. Buổi lễ truyền đi thông điệp, cơ hội lớn cho cà phê Việt đang mở ra ở thị trường cà phê lớn nhất thế giới, nhưng ngành hàng này chỉ tận dụng được cơ hội nếu thực hiện những thay đổi sâu sắc cả trong quản lý và sản xuất, chế biến.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, tổ chức lễ xuất khẩu cà phê sang châu Âu theo hiệp định EVFTA là bước cụ thể hóa nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao trong Kế hoạch hành động thực thi Hiệp địnhThương mại tự do Việt Nam-EU, đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020.
Với hiệp định này, hầu hết nông sản Việt Nam xuất sang EU, sẽ có mức thuế bằng 0%, nên đây sẽ là cơ hội để nông nghiệp Việt Nam thực hiện những thay đổi lớn. Với cà phê, EU hiện chiếm trên 42% lượng cà phê Việt xuất khẩu và Việt Nam chiếm trên 8,5% tổng lượng cà phê nhập khẩu của thị trường này, song tỷ lệ cà phê chế biến còn thấp, chỉ 5 - 7%.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định, cơ hội từ EVFTA là rất lớn, vì EU có khoảng 510 triệu dân, thu nhập bình quân khoảng 30.000 usd/1 người/1 năm, nên sức mua rất lớn. Tuy nhiên, đây là thị trường khắt khe, nông nghiệp Việt Nam nói chung, cà phê Việt Nam nói riêng phải thay đổi lớn theo hướng nâng cao chất lượng, tăng hàm lượng chế biến, minh bạch nguồn gốc xuất xứ.
Để đạt được những điều này, cả doanh nghiệp, nông dân và chính quyền các tỉnh có sản xuất nhiều cà phê như ở Tây Nguyên, phải nghiên cứu kỹ hiệp định và có những thay đổi căn bản trong quản lý, sản xuất kinh doanh.
“Các doanh nghiệp, địa phương và bà con nông dân phải hiểu sâu sắc, hiểu hết nội dung các cam kết trong hiệp định. Qua đó cần áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có gắn kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với nông dân và các hợp tác xã. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực chế biến vì khâu chế biến còn rất yếu”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ rõ.
Tại Lễ xuất khẩu cà phê sang châu Âu theo hiệp định EVFTA hôm nay, có 3 lô cà phê nhân, khối lượng 296 tấn, của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, được xuất khẩu. Một lô trong số này là cà phê đạt tiêu chuẩn 4C, đạt giá cao hơn 30 USD/tấn so với thị trường thế giới. Vĩnh Hiệp là DN ở TP HCM, đặt chi nhánh tại Gia Lai đã liên kết với 10.000 hộ dân, xây dựng vùng nguyên liệu 10.000 ha cà phê, với sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm.
Tiêu chuẩn 4C là viết tắt của 4 từ: Common (Chung), Code (Bộ qui tắc), Coffee (Cà phê) và Community (Cộng đồng).