Không có người vẫn chứng thực
Ông Nguyễn Ngọc Ninh (SN 1960, trú tại xã Ea Pal, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) trình bày, năm 2010 gia đình ông thế chấp 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) để mượn ông Nguyễn Văn Linh (trú tại khối 3B, thị trấn Ea Kar) khoản tiền 1,7 tỷ đồng (bao gồm 1,4 tỷ đồng tiền gốc và 300 triệu tiền lãi), lập thành 3 hợp đồng vay mượn. Trước thời hạn phải trả nợ, ông Ninh đã thanh toán cho ông Linh 800 triệu, còn nợ 900 triệu. Ngày 22/12/2010 chủ nợ là ông Linh đã lên UBND thị trấn Ea K’Nốp để làm chứng thực hợp đồng 00163 khi không có mặt ông Ninh, trong đó thể hiện ông Ninh vay 1,7 tỷ đồng. Cán bộ tư pháp thị trấn Ea K’Nốp khi đó là ông Nguyễn Thanh Hưng (nay đang là Chủ tịch HĐND thị trấn Ea K’Nốp) vẫn thực hiện việc chứng thực hợp đồng vay mượn này. Như vậy, cùng với khoản tiền 1,7 tỷ đồng từ hợp đồng khống và khoản nợ chưa trả là 900 triệu, cộng cả lãi suất thì ông Ninh phải trả cho ông Linh số tiền 3 tỷ đồng.
Ngày 13/12/2011, sau khi thụ lí đơn của ông Linh, TAND huyện Ea Kar đưa vụ “kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản” ra xét xử sơ thẩm, buộc ông Ninh phải trả cho ông Linh số tiền 3 tỷ đồng. Ngày 4/4/2012, TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm, giữ nguyên bản án cấp huyện đã tuyên trước đó. Ông Ninh bị kê biên, cưỡng chế toàn bộ số tài sản đang có.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Hưng thừa nhận thời điểm chứng thực hợp đồng 00163 không có mặt ông Ninh, nhưng trên hợp đồng đó đã có chữ kí sẵn của ông Ninh. Ngày 11/9/2012, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ea Kar có văn bản khẳng định việc ông Hưng xác nhận hợp đồng số 00163 khi không có mặt vợ chồng ông Ninh là vi phạm Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP/BTNMT ngày 13/6/2006 về việc hướng dẫn công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền sử dụng đất.
Ngày 16/9/2014, TAND Tối cao kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk, nhận định việc tòa 2 cấp tại Đắk Lắk xác định ông Ninh vay mượn ông Linh số tiền 1,7 tỷ đồng tại hợp đồng 00163 là chưa có cơ sở. Tuy nhiên, lúc đó ông Ninh đã bị cưỡng chế toàn bộ tài sản. Theo ông Ninh, tổng tài sản của ông nhiều hơn số tiền bị cưỡng chế, kê biên để bán đấu giá. “Tôi đã làm đơn khiếu kiện nhiều nơi mà vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Vay là phải trả, không trả thì bị cưỡng chế tài sản để trả nợ là điều đương nhiên. Nhưng, việc làm chứng thực gian dối khiến tôi bị trắng tay, gia đình ly tán” - ông Ninh bức xúc.
Hợp đồng sang nhượng đất có dấu hiệu vi phạm.
Chứng thực khống?
Ông Bùi Văn Hoàn (SN 1960) trình bày, năm 1992 gia đình ông có mua của bà Nguyễn Thị Hồng (thị trấn Ea K’Nốp) một lô đất ở tại thửa đất số 57, tờ bản đồ số 2 với giá 2,8 triệu đồng. Năm 2001, vợ chồng ông Hoàn xây nhà trên mảnh đất này và sinh sống từ đó đến nay.
Vợ ông Hoàn là bà Đinh Thị Thủy có vay tiền của bà Trương Thị Hậu để làm ăn. Do kinh doanh thất bát, gia đình phải bán nhiều tài sản có giá trị để trả nợ. Theo ông Hoàn, khi vay mượn vợ chồng ông đã ký vào một số giấy tờ có nhiều khoảng trống. Sau này mới biết lô đất gia đình ông đang ở đã bị chính quyền địa phương chuyển nhượng cho bà Hậu từ năm 2010.
Khi vụ việc được khởi kiện ra tòa, ông Hoàn mới biết năm 2001 UBND thị trấn Ea K’Nốp đã thực hiện hợp đồng chuyển nhượng đất của vợ chồng ông cho bà Hậu. Tuy nhiên, các nội dung chuyển nhượng cho thấy đây là hợp đồng “có vấn đề”.
Cụ thể, ngày chứng thực là ngày 20/6/2001, nhưng ghi chứng minh nhân dân của ông Hoàn cấp ngày 21/10/2004 (sau 3 năm), và CMND của bà Hậu cấp ngày 25/3/2008 (sau 7 năm). Khi xét xử, tòa án 2 cấp ở Đắk Lắk đều bỏ qua tình tiết quan trọng này. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Dũng (khi đó là Phó chủ tịch UBND thị trấn Ea K’Nốp, nay là Chủ tịch Hội cựu Chiến binh thị trấn Ea K’Nốp), người trực tiếp ký xác nhận vào Hợp đồng gian dối nói trên thừa nhận có thiếu sót, do không kiểm tra. Sai sót là do ông tin tưởng vào cấp chuyên môn (cán bộ tư pháp và địa chính)?