Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ bày tỏ một số lo ngại về việc đấu giá đất tại Thủ Thiêm, trên cơ sở nghiên cứu, tính toán tất cả chi phí, chia theo hệ số sử dụng đất… HoREA tạm tính giá bán bình quân căn hộ các dự án này có thể lên đến 66-80 tỷ VND/căn, tương ứng đơn giá 580-666 triệu VND/m2 sàn - cao hơn rất nhiều so với các căn hộ cao cấp trong cùng khu vực.
Với tính toán như trên, giá nhà khoảng 600 triệu VND/m2 (tương đương 26.500 USD/m2) tại Thủ Thiêm cao đã ngang ngửa những khu vực có giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới.
Nếu xét theo top các thị trường có giá nhà đắt nhất thế giới do Savills bình chọn, giá nhà Thủ Thiêm dự kiến sẽ đắt ngang ngửa với giá căn hộ ở trung tâm New York, Tokyo, đắt hơn cả Thượng Hải, London, Paris...
Theo Savills, Monaco có giá cao nhất là 57.120 USD/m2, tương đương 1,3 tỷ VND/m2. Hong Kong xếp ở vị trí tiếp theo với 47.520 USD/m2, tương đương 1,08 tỷ VND/m2 và New York theo sau với 26.640 USD/m2, tương đương 604 triệu VND/m2.
Do rất nhiều người giàu ở Công quốc Monaco đã và đang đầu tư lớn vào bất động sản, giá nhà đất luôn tại đây có xu hướng ngày càng tăng. Trong khi Hong Kong thì đã từ lâu nổi tiếng về mức độ đắt đỏ. Đất đai ở Hong Kong cao gấp nhiều lần thu nhập bình quân đầu người, khiến hàng trăm ngàn cư dân đang phải co mình lại trong những căn hộ siêu nhỏ. Đa phần trong số chúng không to hơn một chỗ đậu xe ô tô là mấy.
Khi so sánh về mức giá 1m2 nhà ở trên GDP bình quân đầu người, mức giá ở Thủ Thiêm cũng cao một cách bất thường. Nếu như ở các thành phố phát triển cao như New York, Sydney, Paris, giá 1m2 nhà chỉ tương đương khoảng 40% GDP bình quân đầu người, cá biệt là Thượng Hải cũng chỉ đến 199% thì Thủ Thiêm lên tới tương đương 952%.
Không có quá nhiều người Việt Nam có thể mua được nhà với mức giá như vậy. Theo báo cáo Wealth Report 2021, Việt Nam mới chỉ có 390 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên, có tiền mua căn hộ 66-80 tỷ VND) trong năm 2020.
Số người sở hữu từ 1 triệu USD trở lên (1 triệu USD chưa đủ mua căn hộ 66-80 tỷ VND) tại Việt Nam là 19.500 người. Nếu lấy con số triệu phú chia cho 98,51 triệu dân số Việt Nam năm 2020 (theo Tổng cục Thống kê), thì số lượng triệu phú chỉ chiếm chưa tới 0,02% dân số.
Vậy thì dự án nhà ở Thủ Thiêm, nếu như có được hoàn thành, thì cũng không khả thi cho 99,98% dân số.
Mới đây, Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát ra thông cáo chính thức về việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm.
Theo thông cáo, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt (Công ty Ngôi Sao Việt) - thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trúng đấu giá ô đất có diện tích 10.060m2 tại Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng (2,45 tỷ đồng/m2). Cách đơn vị trả giá thứ hai là một công ty nước ngoài đặt giá 23.800 tỷ đồng là 700 tỷ đồng. Tập đoàn này cho hay, đây là mức giá cao ngoài dự kiến khi tham gia đấu giá.
Phía Tân Hoàng Minh khẳng định, sau khi trúng đấu giá, đã thay đổi toàn bộ kế hoạch đầu tư, kinh doanh và tài chính để đảm bảo đóng tiền theo tiến độ và quy định trong hợp đồng đã ký kết với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. HCM. Đồng thời, tập đoàn này đã lên phương án kinh doanh - đầu tư mới phù hợp nhất để có hiệu quả. Mặc dù lợi nhuận theo tính toán là khá thấp không đúng như kỳ vọng ban đầu, nhưng vẫn đảm bảo thu hồi vốn đầu tư.
"Tuy nhiên, sau khi trúng đấu giá, Tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua. Tập đoàn thấy rằng việc trúng đấu giá với kết quả trên có thể dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung", Tân Hoàng Minh viết trong thông cáo.