Mới đây, Chủ tịch Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng đã có tâm thư gửi đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm.
Trong tâm thư, ông Đỗ Anh Dũng đã nói: "Chúng tôi xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh". Theo ông Đỗ Minh Dũng, doanh nghiệp sẽ chấp nhận chịu mọi chế tài về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng này theo quy định của pháp luật về việc đấu giá tài sản công.
Trước đó, ngày 10/12/2021, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh) trúng thầu lô đất 3-12 ở Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng và đã đặt cọc 588,4 tỷ đồng. 7 ngày sau đó, Tân Hoàng Minh đã ký hợp đồng mua bán với các cơ quan chức năng TP HCM.
Liên quan đến việc xin tự nguyện đơn phương chấm dứt Hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12 của Tân Hoàng Minh, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế thẳng thắn nói: "Việc Tân Hoàng Minh muốn hủy đã đoán từ đầu. Vì mức giá đó là bất hợp lý. Như tôi đã nói từ trước, doanh nghiệp sẽ hủy cọc nhưng có nhiều người tin rằng doanh nghiệp đã xác nhận ký hợp đồng mua bán. Nhưng theo quy định của luật pháp Việt Nam, thời gian cọc tới 90 ngày".
Liên quan đến tác động của việc xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, ông Thịnh phân tích, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp đấu giá rất cao. Một là họ đẩy giá lên thông qua đó đẩy giá thị trường. Họ có thể bán/mua những mảnh đất xung quanh đó. Giá đất tăng bù thừa so với mức cọc. Hai, họ cũng có thể có bài toán chiến đấu với đối tác là những người muốn mua mảnh đất đó. Họ làm lỡ nhịp của nhà đầu tư khác.
Về hệ luỵ, ông Thịnh nhận định: "Thứ nhất, xin bỏ cọc lô đất đấu giá của Tân Hoàng Minh sẽ làm cho giá cả thị trường khu vực Thủ Thiêm sẽ xuống và dần dần trở lại mặt bằng cũ. Thực ra, trong những ngày vừa qua, những người bán đất Thủ Thiêm hét giá tăng 30,40 đến 60%, đẩy thị trường bất động sản nơi đây vào ngõ cụt. Vì giá bị đẩy lên trên cao, chẳng ai mua, mà cũng không ai bán".
Thứ hai, người mua cũng như người bán đều lắng nghe cả. Người bán xem có bán có hớ không? Người mua càng thấy mình phải lắng nhiều hơn vì tự dưng phải bỏ ra một đống tiền thì lại tăng vậy xem có vô lý không?
Tất nhiên về mặt xã hội, việc đấu giá đưa ra mức quá cao rồi hủy cọc gây nhiều hậu quả cho xã hội. Kết quả đấu giá không chỉ người dân hay nhà đầu tư mà Chính phủ và Nhà nước thấy vô lý. "Chúng ta cần xem xét việc đặt cọc đã ổn chưa? Việc mà xử lý với người hủy cọc cần phải có biện pháp như lần sau không cho doanh nghiệp đó tiếp tục đấu giá. Chúng ta không nên chỉ dừng lại trong việc hủy cọc rồi mất cọc. Bởi hủy cọc mất mỗi tiền cọc nhưng họ có thể bán được nhiều lô đất lời hơn", ông Thịnh cho biết.
Trước đó, liên quan tới vụ việc Tân Hoàng Minh trúng đấu giá lô đất với mức lên tới 24.500 tỷ đồng. TS. Huỳnh Thế Du cho rằng: "Ở đây, cũng có thể có vấn đề phi lý trí hoặc tâm lý thích chơi trội của con người đã đẩy giá đất lên cao. Những doanh nghiệp thắng đã chơi ngông, bỏ những giá rất cao để khẳng định đẳng cấp hoặc vì những lý do khác thường nào đó và sẵn sàng bỏ cọc. Ngay cả tình huống này xảy ra thì phần còn lại của xã hội vẫn được lợi".