Các cuộc điều tra đối với xuất khẩu Việt Nam đang xuất hiện tần suất ngày càng nhiều hơn, trở thành hoạt động thường xuyên và doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt xuất khẩu sẽ gặp các vụ kiện nhiều hơn trong thời gian tới.
Chỉ tính riêng năm 2024, Việt Nam đã có thêm các vụ kiện phát sinh với khoảng 28 vụ điều tra phòng vệ thương mại mới. Điển hình liên quan đến việc Mỹ tiến hành điều tra chống bán phá giá pin năng lượng mặt trời, đến hiện nay Mỹ vẫn đang trong quá trình điều tra và mới có kết quả sơ bộ, chưa có kết quả cuối cùng.
Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục PVTM, Bộ Công Thương: Trong vòng 4 năm trở lại đây, hàng Việt xuất sang Mỹ đã chịu tất cả hình thức, đối tượng điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) của nước này.
Cụ thể, phía Mỹ đã tổ chức các vụ: Biện pháp tự vệ đối với hàng hoá Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2018; điều tra chống lẩn tránh xuất xứ với Việt Nam; điều tra chống bán phá giá với pin năng lượng mặt trời… Rất nhiều cuộc điều tra phòng vệ thương mại đã được áp dụng cho thấy quy mô và sự phức tạp ngày càng gia tăng.
Theo đại diện Bộ Công Thương: Hầu hết các sản phẩm Việt Nam sang Mỹ bị điều tra đều là sản phẩm của ngành công nghiệp mới, có sự cạnh tranh rất quyết liệt về giá, chi phí và có liên quan đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Về thách thức năm 2025, theo Bộ Công Thương cùng với sự phát triển của đất nước, quá trình phát triển năm 2024 đã đạt được nhiều kết quả tốt, giúp doanh nghiệp Việt có thể mở rộng thị trường, tiếp cận thị trường mới, tiếp tục phát huy kết quả trên thị tường truyền thống.
Năm 2024, kết quả rất khởi sắc, nền kinh tế GDP đạt xấp xỉ 7%, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp nâng cao, đó là cơ hội phát triển cả trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, sự cạnh tranh mang tính chất chiến lược các nền kinh tế trên thế giới, một số việc điều chỉnh chính sách của các nước quyết liệt hơn trong việc bảo vệ nền sản xuất trong nước của họ. Chắc chắn, những biện pháp phòng việc thương mại sẽ phát sinh trong năm 2025, đó là việc cộng đồng doanh nghiệp cần lưu ý.
Các ngành lĩnh vực có sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như thuỷ sản, tôm, thép, gỗ, mật ong… có nguy cơ cao bị áp đặt các vụ kiện PVTM thời gian tới. Chính vì vậy, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công khuyến cáo cần chủ động phối hợp với phía Hoa Kỳ để hợp tác điều tra, chứng minh sản phẩm Việt làm đúng quy đinh, quy tắc.
Bên cạnh đó, áp dụng khoa học kỹ thuật, khoa học quản trị vào sản xuất, nâng cao giá trị nội tại của chuỗi sản xuất nhằm giúp sản phẩm trong nước có lợi thế so sánh khi ra nước ngoài.