Trường Mần non Lê Quý Đôn do Công ty TNHH Giáo dục và Đầu tư Hòa Thắng thuê đất để xây trường tại Khu dân cư Trung tâm thương mại Bắc Phan Thiết. Trước kia, khu đất này đã được Nhà nước đền bù, giải tỏa và đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh với tổng số tiền 300 tỷ đồng để đầu tư mở rộng đô thị, tạo quỹ đất sạch có giá trị cao để đấu giá quyền sử dụng đất. |
Tuy nhiên, ngày 2/7/2018, Công ty Giáo dục Hòa Thắng có hồ sơ đề nghị được đầu tư Trường Mầm non Lê Quý Đôn tại khu đất nói trên. Ngày 1/4/2019, UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho Công ty Giáo dục Hòa Thắng làm chủ đầu tư dự án Trường Mần non Lê Quý Đôn. Như vậy, Nhà nước bỏ ra 300 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng nhưng sau khi doanh nghiệp có nhu cầu thì các sở ngành đã tham mưu, UBND tỉnh Bình Thuận đã điều chỉnh quy hoạch từ đất thương mại dịch vụ qua đất giáo dục để giao cho Công ty Giáo dục Hòa Thắng xây trường. |
Trường Mầm non Lê Quý Đôn có vị trí đắc địa 3 mặt tiền. Nhiều công dân ở Bình Thuận đã làm đơn tố cáo UBND tỉnh Bình Thuận ưu ái giao đất cho Công ty TNHH Giáo dục và Đầu tư Hòa Thắng. Bởi Trường Mầm non Lê Quý Đôn là trường tư thục thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư nhưng dự án đầu tư xây dựng Trường Mầm non Lê Quý Đôn tọa lạc tại Khu phố 14 phường Phú Thủy, thành phố Phan Thiết không thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, địa bàn kinh tế khó khăn theo quy định tại Phụ lục II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014. |
Trước mặt Trường Lê Quý Đôn là trước mặt là Công viên giáp sông Cầu Sở muối. Đáng nói, theo Quyết định số 3129/QĐ-UBND ngày 5/12/2019 của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của UBND thành phố Phan Thiết tại phụ lục số 2 phường Phú Thủy không có chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích 4.766,8m2 khu đất thương mại dịch vụ sang đất xây dựng Trường Mầm non và tại quyết định số 3130/QĐ-UBND ngày 5/12/2019 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đến năm 2019 của UBND thành phố Phan Thiết tại phụ lục 2 cũng không có thu hồi diện tích 4.766,8m2 do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh quản lý giao địa phương quản lý để đầu tư xây dựng trường mầm non. |
Khu đất xây dựng Trường Mầm non Lê Quý Đôn có phía Bắc đường Nguyễn Gia Tú giá 16 triệu đồng/m2; phía Nam đường Nguyễn Phúc Nguyên. Phía Đông giáp phía sau đường Võ Văn Kiệt giá 10 triệu đồng/m2. Thế nhưng tỉnh Bình Thuận miễn, giảm tiền sử dụng đất với giá 196.896 đồng/m2/năm trong thời gian 5 năm kể từ ngày 10/1/2020 đến hết ngày 9/1/2025 theo phương thức trả tiền hàng năm khiến nhiều công dân làm đơn tố cáo vì gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước; |
Trước khi cấp đất cho Công ty Giáo dục Hòa Thắng xây Trường Mầm non Lê Quý Đôn, UBND tỉnh Bình Thuận cũng cấp lô đất 4 mặt tiền, có vị trí đắc địa để cho công ty này xây Trường Tiểu học THCS và THPT Lê Quý Đôn. |
Trước đó, vào năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao khu đất 4 mặt tiền rộng 6.126m2 cho Công ty CP Giáo dục Thiên Thần Kỷ Nguyên để xây dựng Trường Mẫu giáo Bắc Xuân An nhưng công ty này không triển khai xây dựng. |
Đến tháng 4/2021 thì UBND tỉnh Bình Thuận mới có quyết định thu hồi dự án này. Dư luận đặt vấn đề, tại sao không thu hồi dự án của Công ty CP Giáo dục Thiên Thần Kỷ Nguyên để giao đất cho Công ty Giáo dục Hòa Thắng mà phải chuyển đổi từ đất thương mại dịch vụ của người dân đang kinh doanh chợ đêm để giao cho Công ty Giáo dục Hòa Thắng xây trường. |
Tương tự, dự án Hamubay Phan Thiết do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư cũng vướng đơn tố cáo giao đất không qua đấu giá. |
Dự án này được giao cho Công ty Trường Phúc Hải nghiên cứu, khảo sát lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và đề xuất phương án sử dụng đất từ năm 2010. |
Thanh tra Chính phủ từng kết luận, tỉnh Bình Thuận giao và cho thuê đối với 26,9ha đất mặt nước ven biển tại dự án Hamubay Phan Thiết là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định. |
Thanh tra Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Thuận tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm liên quan đến thiếu sót trong việc ban hành quyết định giao mặt nước biển cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải. |
Đồng thời, kiểm tra tình hình triển khai dự án, làm rõ nguyên nhân chậm triển khai theo tiến độ đã phê duyệt. Nếu chủ đầu tư không có năng lực triển khai dự án thì tiến hành thu hồi. |
Hiện tại, dự án đang trong quá trình thi công hạ tầng. |
Người dân xung quanh dự án từng phản đối vì áp giá đền bù thấp. |
Tại dự án này, chủ đầu tư là Công ty Trường Phúc Hải đã nộp số tiền hơn 4,8 tỷ đồng theo thỏa thuận ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư ngày 6/2/2018 của Sở Kế hoạch Đầu tư. |
Theo các luật sư, việc tỉnh Bình Thuận giao đất không thông qua đấu giá mà ưu ái cho Công ty Trường Phúc Hải, không xem xét trên báo cáo tài chính năm gần nhất là chưa đúng quy định pháp luật và không có cơ sở. |
Công ty Trường Phúc Hải đã mở bán dự án Hamubay Phan Thiết từ tháng 11/2018 nhưng đến nay vẫn chỉ là bãi đất trống. |
Hamubay Phan Thiết là 1 trong những dự án đang bị Bộ Công an điều tra vì giao đất không qua đấu giá. |
Dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương đầu tư tại quyết định số 3579/QĐ-UBND ngày 5/12/2016 cho Công ty TNHH Biển Quê Hương-Phan Thiết (trước đây là Công ty CP Giao nhận Vận tải và Hóa chất Việt Nam) có diện tích 125.419,8m2 có mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ. |
Trong diện tích 104.811,3m2 (10,48ha) tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam giao cho dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển quê hương có 7,17ha rừng phi lao phòng hộ ven biển được trồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cách đây 30-40 năm để chắn sóng, chắn gió, chống cát bay, chống sự xâm nhập của nước mặn... để bảo vệ đất sản xuất của dân, bảo vệ khu dân cư ven biển. |
Sau khi có quyết định số 3579/QĐ-UBND ngày 5/12/2016 chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Biển Quê Hương đầu tư dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương, chủ đầu tư đã thuê người khai thác diện tích 7,17ha rừng phòng hộ phi lao ven biển, vận chuyển đi nơi khác, thuê xe san ủi đất. |
Biển báo dự án. |
Sau khi công ty khai thác xong, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định số 999/QĐ -UBND ngày 18/4/2018 phê duyệt phương án trồng rừng thay thế và hơn một năm sau, UBND tỉnh Bình Thuận mới có tờ trình số 1979/TTr-UBND ngày 5/6/2019 trình HĐND tỉnh Bình Thuận và sau đó HĐND tỉnh có Nghị quyết số 79/NQ-HĐND ngày 25/7/2019 thông qua chủ trương chuyển diện tích rừng trồng sang mục đích khác tại dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển Quê Hương. |
Bên trong dự án đã được san ủi cát. |
Rừng phi lao chỉ còn lại lưa thưa. |
Rừng phi lao chỉ còn ở phía gần biển. |
Dư luận tại Bình Thuận đặt vấn đề, cho dù 7,17ha rừng phi lao phòng hộ ven biển có chuyển sang mục đích khác thì rừng này vẫn là tài sản của nhà nước, tại sao không thực hiện đấu giá theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 119 của Luật Đất đai 2013? |
Tổng diện tích 125.419,8m2 (12,54 ha); trong đó có 104.811,3m2 (10,48 ha) tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam có mục đích sử dụng là đất thương mại dịch vụ thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định tại Phụ lục số II Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014 nhưng dự án Khu dịch vụ du lịch cộng đồng Biển quê hương không thuộc là ngành, nghề ưu đãi theo quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2014 và tại Phụ lục I Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2014. |
Mặt tiền dự án Biển Quê Hương. |
Hiện tại, Bộ Công an đang điều tra dự án Biển Quê Hương. |