Ngày 19-10, tại hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam – Nguy cơ, thách thức và giải pháp", do Tổng Cục QLTT tổ chức tại TP HCM, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT, kể câu chuyện một người bạn khi biết ông nắm chức vụ mới (ông Linh làm Tổng Cục trưởng từ ngày 12-10) đã cung cấp thông tin mua nhầm thuốc kháng sinh giả ngay thủ đô Hà Nội. May mắn là trước khi uống thì bác sĩ phát hiện thuốc giả vì loại thuốc này không có dạng viên mà chỉ có dạng nước.
Tiếp sau đó, ông Đào Minh Tiến, Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty CP Pin ắc quy Miền Nam, chia sẻ về tình trạng ắc quy nhập khẩu kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Chẳng hạn bình ắc quy 12V-150Ah nhưng thực tế chỉ là 12V-135Ah. Một chiêu thức khác là làm giảm hoạt tính trong ắc quy khiến cho chất lượng, tuổi thọ của bình giảm thấp mà người tiêu dùng không thể phát hiện được (chỉ phát hiện khi sau một thời gian sử dụng).
QLTT TP HCM kiểm tra hàng giả tại chợ Bến Thành
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, nêu thực tế trong lĩnh vực phân bón nhu cầu sử dụng phân NPK là 5 triệu tấn/năm nhưng khả năng sản xuất lên đến 25 triệu tấn. Trong đó, không ít là phân NPK giả, kém chất lượng. Tuy nhiên, phần lớn những vụ bị phát hiện chỉ bị xử phạt hành chính, chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự. Ông Trần Hữu Linh thừa nhận có tình trạng này và cho biết những đối tượng sản xuất phân bón giả còn mang máy trộn đến tận làng để trộn luôn theo đơn đặt hàng của các đại lý.
Ở lĩnh vực kinh doanh gas, ông Nguyễn Công Minh, Giám đốc chi nhánh Bắc bộ của Công ty Khí hoá lỏng miền Bắc, phản ánh tình trạng chiếm vỏ bình gas, cắt tai mài vỏ vẫn xảy ra thường xuyên. Tình trạng gas "cỏ" (gas sang chiết lậu) còn nhiều hơn gas "lúa" (gas chính hãng). Nhiều đại lý, cửa hàng bị kiểm tra xử lý rồi nhưng vẫn tiếp tục hoạt động cung cấp gas "cỏ" ra thị trường.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT
Trước tình trạng hàng gian, hàng giả tràn lan, cơ quan chức năng chưa lý được thì Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ông Lê Quốc Phong cho biết doanh nghiệp chỉ còn cách tự cứu mình trước. Chẳng hạn doanh nghiệp phân bón cần phải quản lý theo khu vực, bao bì, nhà phân phối. Khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu bị làm giả phải đến làm việc trực tiếp với nơi bán, đồng thời cảnh báo đến nông dân nắm rõ sự việc để tránh mua nhầm hàng kém chất lượng. Sau cùng là kết hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý những vi phạm theo pháp luật.
Ông Trần Hữu Linh thừa nhận vấn nạn hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, hàng kém chất lượng không hề mới, đã diễn ra trong quá trình dài nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được. Chưa kể, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, khó nhận diện cũng gây trở ngại cho công tác kiểm tra, xử lý. Chế tài hiện nay còn thấp chưa đủ sức răn đe.
Do đó, ông Linh đề nghị cần có giải pháp, cách thức cụ thể cũng như phối hợp thực hiện và phải làm quyết liệt. Ngoài ra, tình trạng doanh nghiệp "ngại" tố giác sản phẩm của mình bị xâm hại còn phổ biến vì lo sợ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tân Tổng Cục trưởng QLTT cũng cam kết sẽ xây dựng lực lượng QLTT trong sạch. Đồng thời, nâng cao trình độ để giúp công tác kiểm tra, xử lý hàng gian, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn.