Công ty CP Chứng khoán Tân Việt thành lập tháng 12/2006 tại phố Lý Thường Kiệt, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp là 2.639 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT của TVSI hiện tại là bà Trần Thị Cẩm Hạnh, người được bổ nhiệm vào 23/6/2023.
Tính đến hết 31/12/2023, tổng cộng tài sản của TVSI là 4.027 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 3.967 tỷ đồng, giảm 5,7%. Báo cáo tài chính của TVSI cho thấy kết quả kinh doanh không thuận lợi trong năm vừa qua.
Cụ thể, năm 2023, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) của TVSI là 98 tỷ đồng, giảm 91% so với con số 1.146 tỷ đồng hồi năm 2022. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu giảm 92,8%, còn 31,7 tỷ đồng. Doanh thu môi giới chứng khoán giảm 90%, xuống còn 39,7 tỷ đồng. Doanh thu về nghiệp vụ chứng khoán giảm từ 500 tỷ đồng năm 2022 xuống còn 29,5 tỷ đồng, tương ứng 94%.
Kết quả, cộng doanh thu năm 2023, TVSI đạt 202 tỷ đồng, giảm 92% so với năm 2022. Ngoài ra, hoạt động tài chính mang về thêm cho TVSI 11,7 tỷ đồng.
Dù TVSI cắt giảm được 297 tỷ đồng chi phí bán hàng, tương ứng 90%, xuống còn 139 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý công ty chứng khoán đội cao gần gấp đôi so với năm ngoái, lên thành 441,6 tỷ đồng.
Do đó, sau khi khấu trừ các khoản chi phí, TVSI nhận về kết quả lỗ 398 tỷ đồng, chênh lệch 546 tỷ đồng so với năm 2022, tương ứng 368%.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của TVSI tăng 22%, lên thành 742,3 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn chiếm 99,4%. Trong đó đáng chú ý là các khoản phải trả, phải nộp ngắn hạn khác tăng mạnh 153%, lên thành 649,7 tỷ đồng.
Doanh nghiệp hiện có gần 1.940 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Đáng chú ý trong đó là 1.609 tỷ đồng số dư tại Ngân hàng SCB. TVSI cho biết, hiện nay khoảng 879 tỷ đồng tiền gửi nhà đầu tư phục vụ nhu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán, và 730 tỷ đồng tiền gửi của Công ty phục vụ các nghĩa vụ thanh toán khác cho khác hàng đang trong tình trạng không giao dịch được.
Năm 2018, Ngân hàng SCB trong tinh trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra dẫn đến việc xin cấp tín dụng từ Ngân hàng SCB gặp nhiều khó khăn, kèm theo tình hình nợ xấu kéo dài, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan đã họp với nhóm thân tín, trong đó có Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Tân Việt SI (TVSI) Nguyễn Tiến Thành, nhằm lên phương án tạo lập trái phiếu, và thông qua Công ty Chứng khoán TVSI và Ngân hàng SCB phát hành, chào bán cho người dân với lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm tại SCB.
Từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng có liên quan tại TVSI, SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã sử dụng hàng loạt công ty để phát hành 25 mã trái phiếu "khống", không có tài sản đảm bảo, thu về hơn 30.869 tỷ đồng. Số tiền này được các đối tượng rút về nhưng không đầu tư vào các dự án mà sử dụng vào nhiều mục đích khác.
Cơ quan điều tra xác định, đến thời điểm vụ án bị khởi tố ngày 7/10/2022, tổng dư nợ còn lại là 30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ không có khả năng thanh toán.
Trong cơ cấu tổ chức thực hiện lừa đảo, TVSI trở thành mắt xích lớn để tìm kiếm nhà đầu tư thứ cấp (người dân), thu gom, phân chia số tiền để nhóm Trương Mỹ Lan thực hiện trót lọt hành vi.
Năm 20218, TVSI với vai trò đại diện Tổ chức phát hành đã thực hiện công bố thông tin, phát hành các gói trái phiếu để mua bán, chuyển nhượng cho hàng ngàn người dân. Số trái phiếu này đều xuất phát từ các tổ chức phát hành trái phiếu thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Có 4 công ty được sử dụng để phát hành 25 gói trái phiếu "khống" và tạo ra dòng tiền 30.869 tỷ đồng. Trong đó, TVSI tổ chức bán trái phiếu của 3 công ty gồm gồm Công ty An Đông, Công ty Quang Thuận và Công ty Setra. Riêng trái phiếu của Công ty Sunny World (còn dư nợ 1.612 tỷ đồng tại Kết luận điều tra) được chuyển nhượng cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) để đầu tư, bán ra thị trường.
Tại các hợp đồng ký kết giữa TVSI với SCN, TVSI "đóng vai" đơn vị có nhu cầu chuyển nhượng/nhận chuyển nhượng các trái phiếu đang nắm giữ và mong muốn tìm nhà đầu tư để thực hiện giao dịch. SBC là đơn vị thực hiện việc giới thiệu nhà đầu tư, đồng thời huy động hàng nghìn nhân viên thực hiện tư vấn cho người dân.
Thực chất, việc phát hành trái phiếu này được điều hành bởi bà Trương Mỹ Lan sau khi họp bàn với các nhân sự cấp cao của SCB, TVSI (2 pháp nhân mà bà Trương Mỹ Lan chiếm phần lớn cổ phần). Tổng cộng có khoảng 50 công ty "ma" được sử dụng để tạo lập, phát hành trái phiếu.
Cơ quan điều tra xác định, Công ty TVSI và Ngân hàng SCB là công cụ để bán sản phẩm trái phiếu đến người dân, số tiền thu về từ 2 doanh nghiệp này bị sử dụng vào các mục đích không đúng theo phương án ban hành.
Đáng chú ý, trong quá trình thực hiện hành vi, nhóm đối tượng đã lợi dụng việc phát hành các mã trái phiếu riêng lẻ của An Đông, Quang Thuận, Sunny Word, Setra thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giai đoạn năm 2018 – 2022, không thuộc thẩm quyền quản lý, giám sát, thanh kiểm tra của Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước, HNX đối với các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lê để "né" bị phát hiện.
Sau khi khách hàng đồng ý mua trái phiếu và ký kết hợp đồng với TVSI, dòng tiền huy động được sẽ được đưa về các công ty. Bằng hình thức cho vay, mua cổ phần, tiền được rút ra và chảy vào túi các cá nhân.
Cơ quan điều tra xác định, sau khi TVSI chuyển tiền về, các đối tượng đã thực hiện giao dịch rút tiền để sử dụng tại Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn, Bến Thành bằng hình thức gồm cho các cá nhân được thuê đứng tên, ký chứng từ rút tiền mặt, nộp tiền mặt vào các tài khoản chỉ định để trả nợ thẻ tín dụng (VISA, MasterCard). Hoặc chuyển "ảo" cho các công ty, cá nhân khác.
Một hình thức thủ công hơn, tiền mặt sau khi được rút sẽ đưa xuống hầm để giao trực tiếp cho lái xe của bà Trương Mỹ Lan và chở về nhà riêng, hoặc một số điểm đến chỉ định.
Cơ quan điều tra xác định, bằng các thủ đoạn nêu trêu, dòng tiền hàng chục nghìn tỷ đồng thu được từ trái chủ thứ cấp (người dân) đã được che dấu để lọt vào túi một số cá nhân.